Nỗi lo trường đạt chuẩn

XUÂN PHÚ 23/02/2017 08:47

Cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục là 2 “cửa ải” lớn nhất mà ngành GD&ĐT tỉnh phải vượt qua để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng 15 trường THPT đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 5 năm (2016 - 2020).

Giai đoạn tự phát

Một thời gian dài, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia bậc THPT trên địa bàn tỉnh gần như bị “thả nổi”, trong khi các bậc học mầm non, tiểu học, THCS nhận được sự quan tâm rất lớn của ngành GD&ĐT và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố… Sự tự phát trong xây dựng trường chuẩn THPT nên đến năm 2012, cả tỉnh mới có trường đạt chuẩn quốc gia đầu tiên là Phổ thông DTNT tỉnh. Nếu như Trường Phổ thông DTNT tỉnh được công nhận đạt chuẩn nhờ vào quyết tâm và nỗ lực của Hội đồng sư phạm nhà trường thì Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) nhờ xây dựng mới sau khi di dời đến địa điểm khác giúp cho trường cán đích vào năm 2013.

Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) được công nhận đạt chuẩn năm 2016. Ảnh: X.P
Trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) được công nhận đạt chuẩn năm 2016. Ảnh: X.P

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng, do điều kiện kinh tế của tỉnh thời gian đó còn khó khăn nên việc đầu tư cho giáo dục nói chung, trường đạt chuẩn nói riêng, chưa đáp ứng nhu cầu. Trong thời gian dài, ngành chỉ được đầu tư xây dựng phòng học mà ít chú trọng xây dựng các phòng bộ môn, phòng chức năng khác dẫn đến tình trạng thiếu thốn, không đồng bộ về cơ sở vật chất theo tiêu chí trường chuẩn. Việc tham mưu xây dựng trường THPT đạt chuẩn cũng chưa được toàn ngành chú trọng. Để “chữa cháy” cho công tác xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia, năm học 2014 - 2015, được sự quan tâm của UBND tỉnh và các địa phương, ngành GD&ĐT đã có một cuộc “nước rút”. Kết quả, cuối 2015, cả tỉnh có thêm 10 trường THPT được công nhận đạt chuẩn, kịp hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Cũng theo ông Hà Thanh Quốc, sau giai đoạn này, công tác xây dựng trường chuẩn đã qua thời kỳ tự phát. Rút kinh nghiệm thời gian trước đó, từ năm học 2015 - 2016, toàn ngành đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cho cả giai đoạn 2016 - 2020 với lộ trình cụ thể theo từng năm cho từng trường. Theo kế hoạch này, 5 năm đến cả tỉnh sẽ tập trung đầu tư 15 trường THPT đạt chuẩn (mỗi năm 3 trường). Đây là những trường đã được đưa vào kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nguồn kinh phí đầu tư là hơn 104 tỷ đồng.

Những vướng mắc

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục không đảm bảo cho việc xây dựng trường chuẩn. Vì vậy, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của tỉnh, các trường THPT cần chủ động tham mưu với chính quyền địa phương về đề án xây dựng trường chuẩn để tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa. Về phần mình, toàn ngành tiếp tục đổi mới công tác quản lý, phương pháp dạy học để nâng cao chất lượng, giảm thiểu tình trạng bỏ học. Đồng thời đẩy mạnh công tác xã hội hóa, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, thực hiện tốt phương châm “giáo dục là sự nghiệp của toàn dân”.

Đến nay, sau một năm triển khai kế hoạch, đã có 3 trường đầu tiên trong lộ trình 5 năm đã được kiểm tra công nhận đạt chuẩn là THPT Chu Văn An (Đại Lộc), Hiệp Đức và Hùng Vương (Thăng Bình), nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia lên 15 trường. Tuy nhiên, có thể thấy chặng đường phía trước không hề dễ dàng, thậm chí là một “cửa ải” khó vượt qua, nếu không có sự quan tâm đầu tư của tỉnh và nỗ lực của toàn ngành.

Thực tế cho thấy, khi xây dựng trường chuẩn, tình trạng thiếu thốn, không đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở hầu hết trường học. Để có cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư trường chuẩn, Sở GD&ĐT đã có khảo sát đánh giá thực trạng 15 trường THPT được chọn đầu tư trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả khảo sát khiến cho nhiều người không khỏi giật mình khi trong số 5 tiêu chuẩn theo quy định của Bộ GD&ĐT về trường chuẩn, số trường không đạt 2 tiêu chí là cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục chiếm tỷ lệ khá lớn. Cụ thể, không có đơn vị nào trong 15 trường đảm bảo tiêu chí về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khi mà phòng học xuống cấp, phòng bộ môn thiếu hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn quy định… Tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục có khá hơn khi có 4/15 trường đạt yêu cầu, song tỷ lệ học sinh bỏ học nhiều, học lực yếu kém cao hơn quy định (bỏ học hơn 5%) khiến cho 11 trường không hội đủ tiêu chuẩn.

Theo thầy Châu Anh Khiêm - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu, nhìn vào danh sách 12 trường đã đạt chuẩn đều là các trường được xây dựng mới. Trong khi đó, một số ngôi trường có thương hiệu và truyền thống như Sào Nam (Duy Xuyên), Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn), Trần Quý Cáp (Hội An) lại nằm ngoài danh sách đạt chuẩn do không đáp ứng yêu cầu về phòng ốc, trang thiết bị. Vì vậy, Sở GD&ĐT và UBND tỉnh cần có sự quan tâm nhiều hơn để các trường hoàn thành xây dựng chuẩn quốc gia theo đúng tiến độ. Ngay cả một ngôi trường có thương hiệu như THPT Sào Nam (Duy Xuyên) cũng “chậm chân” trong xây dựng trường chuẩn do quá tải về số lượng lớp, học sinh, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Theo kế hoạch, trường Sào Nam sẽ đạt chuẩn quốc gia vào năm 2019 sau khi được đầu tư thêm cơ sở vật chất, đặc biệt là được giảm tải khi Trường THPT Hồ Nghinh thành lập và đi vào giảng dạy vào năm học 2017 - 2018. Tình trạng học sinh bỏ học vượt hơn 5% cũng là cản ngại lớn trong công tác xây dựng trường chuẩn. Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hữu Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành), nguyên nhân khiến cho tình trạng bỏ học nhiều hiện nay là chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 quá cao và chất lượng tuyển sinh thấp. Thực tế  có nhiều em không đi học do không có nhu cầu học lên lớp 10, các em khác vẫn ra lớp song học lực yếu, không thể theo kịp chương trình dẫn đến chán học rồi bỏ học. Từ đó khiến cho nhà trường vất vả trong việc duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng giáo dục.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo trường đạt chuẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO