Nỗi lo từ cầu Hà Tân

THANH THẮNG 05/10/2018 05:23

Cầu Hà Tân ở xã Duy Vinh (Duy Xuyên) bị hư hỏng không thể đi lại được. Trong khi chờ xây dựng lại cầu mới, địa phương đã làm cầu tạm bắc qua sông để người dân đi lại. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, cầu gỗ không sử dụng được nên việc đi lại của người dân gặp khó khăn.

Cầu Hà Tân bị sụt lún từ nhiều năm nay.Ảnh: THANH THẮNG
Cầu Hà Tân bị sụt lún từ nhiều năm nay.Ảnh: THANH THẮNG

Tháng 10.2017, sự cố sụt lún 2 nhịp cầu Hà Tân và mặt cầu bị võng xuống hơn 0,5m không thể đi lại được. UBND xã Duy Vinh đã đổ bê tông chắn hai đầu cầu Hà Tân không cho các phương tiện qua lại. Đồng thời địa phương cũng đã đầu tư 450 triệu đồng làm cây cầu gỗ bắc qua sông để người dân qua lại làm ăn. Ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, UBND tỉnh có chủ trương đầu tư xây dựng cầu Hà Tân mới nhưng do điều chỉnh lại thiết kế nên đến nay vẫn chưa thực hiện. Cầu Hà Tân hư hỏng, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu đi lại của gần 13 ngàn dân ở 2 xã Duy Vinh và Cẩm Kim (Hội An). Việc làm một cây cầu gỗ bắc qua sông Bàn Thạch cho người dân qua lại chỉ là biện pháp tạm thời vì chỉ sử dụng được vào mùa nắng, còn mùa mưa sẽ bị lũ cuốn trôi. Hơn nữa, cầu tạm chỉ cho những xe có trọng tải dưới 250kg đi qua, còn những phương tiện khác phải đi qua cầu Bà Ngân (xã Duy Phước) cách 5km. “Khó nhất hiện nay là đến mùa mưa, cây cầu tạm không sử dụng được nên người dân có thể bất chấp qua cầu Hà Tân cũ hoặc lên cầu máng nối với xã Duy Phước rất nguy hiểm” - ông Sáu nói.

Cũng vì đường xa nên mọi việc vận chuyển đều phải tăng phí khiến cho việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, nhà chống lũ gặp khó, việc san ủi mặt bằng trường học cũng không thực hiện được, rác thải tràn lan do phải tập kết lại trong địa bàn xã chờ cuối tuần mới thuê xe vận chuyển qua cầu Bà Ngân... Đời sống kinh tế của bà con cũng như việc cấp cứu người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. “Hiện cầu Hà Tân này đã hư hỏng, chúng tôi chờ cây cầu mới nhưng chưa có. Hàng ngày phải đi qua cây cầu tạm xa xôi nên nhiều người bất chấp nguy hiểm vượt qua cây cầu này” - anh Đinh Công Phúc ở thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 7.6.2018, UBND tỉnh có Quyết định số 1778/QĐ-UBND, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cầu Hà Tân mới và giao UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư. Tổng kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 15 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện Duy Xuyên. Thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2020. Tuy nhiên, đến nay, cây cầu này vẫn chỉ nằm trên giấy tờ.

Đại diện Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Duy Xuyên cho biết, vừa qua, UBND tỉnh đã thống nhất với đề nghị của UBND huyện Duy Xuyên về việc điều chỉnh, bổ sung quy mô xây dựng cầu Hà Tân, với tần suất thiết kế P = 10%, khổ sông thuyền sông cấp V, bề rộng cầu 8m (tăng thêm 1m so với chủ trương đầu tư dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1778/QĐ-UBND ngày 7.6.2018). Mùa mưa bão đang đến gần, cây cầu tạm bằng gỗ có nguy cơ bị lũ cuốn trôi, việc di chuyển của hàng ngàn hộ dân nơi đây gặp khó. Người dân luôn mong muốn các cấp chính quyền sớm có biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua khu vực này trong mùa mưa.

THANH THẮNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo từ cầu Hà Tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO