Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu

QUỐC HƯNG 15/02/2019 03:33

(QNO) - Lần đầu tiên, hội nghị an toàn thực phẩm thế giới vừa được tổ chức trong lúc sức khỏe con người bị đe dọa, thậm chí nhiều người tử vong mỗi ngày từ chính thực phẩm bẩn ta dùng hàng ngày.

Một khu chợ vùng quê của Ấn Độ. Ảnh:pixels
Một khu chợ vùng quê của Ấn Độ. Ảnh: pixels

Tháng 12.2018, cảnh sát Ấn Độ bắt giữ 3 người liên quan đến ít nhất 11 người chết vì ngộ độc thực phẩm khi ăn cơm ở một lễ hội tại một đền thờ Hindu, thành phố Mysore, bang Karrnataka.

Trên đây là một trong nhiều vụ ngộ độc thực phẩm làm hàng nghìn người tử vong trong những năm gần đây. Báo cáo của Liên hiệp quốc cho biết, thực phẩm là nguồn dinh dưỡng để nuôi cơ thể, là sức khỏe cộng đồng và đóng góp quan trọng trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững năm 2030.

Thực tế, thực phẩm không phải là nguyên nhân gây bệnh hay tử vong. Tuy nhiên, thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, độc tố hoặc hóa chất khiến hơn 600 triệu người mắc bệnh và 420 nghìn người chết trên toàn thế giới mỗi năm.

Theo Viện Nghiên cứu Liên hiệp quốc có trụ sở tại Thụy Sĩ, hơn 200 căn bệnh, từ tiêu chảy đến ung thư, là do ngộ độc thực phẩm. Những kết quả đầu tiên của một nghiên cứu quy mô do Tổ chức Y tế thế giới thực hiện cho thấy, khoảng 582 triệu trường hợp mắc 22 căn bệnh đường ruột, do nguồn gốc thực phẩm.

Hội nghị do các cơ quan chuyên môn của Liên hiệp quốc và Tổ chức Thương mại thế giới tổ chức với sự tham gia của các bộ trưởng y tế, nông nghiệp và thương mại đến từ 130 quốc gia thành viên, trong nỗ lực kêu gọi các chính phủ chung tay ngăn chặn chết mỗi năm do ngộ độc thực phẩm. Hội nghị cũng nhằm chuẩn bị cho diễn đàn quốc tế về mối an toàn giữa an toàn thực phẩm và thương mại, dự kiến được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ trong hai ngày 23 - 24.4 tới.

Ngoài ra, bệnh liên quan đến thực phẩm không an toàn làm quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe tại nhiều quốc gia và gây thiệt hại cho các nền kinh tế, thương mại và du lịch. Cụ thể, các nền kinh tế thu nhập thấp và thu nhập trung bình thiệt hại khoảng 95 tỷ USD mỗi năm vì thực phẩm bẩn.  

Tiến bộ công nghệ, số hóa, thực phẩm mới và phương pháp chế biến cung cấp nhiều cơ hội để đồng thời tăng cường an toàn thực phẩm, và cải thiện dinh dưỡng, sinh kế, thương mại.

Dẫu vậy, biến đổi khí hậu và toàn cầu hóa sản xuất thực phẩm, dân số toàn cầu ngày càng tăng, đô thị hóa ồ ạt đang đặt ra những thách thức mới đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội nghị cho rằng, từ những mối đe dọa đó, an toàn thực phẩm phải là mục tiêu tối quan trọng ở mọi giai đoạn của chuỗi thực phẩm, từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến, lưu trữ, phân phối, chuẩn bị và tiêu thụ.

Hội nghị là cơ hội tốt để các quốc gia tăng cường hợp tác, đưa vấn đề này trở thành một chương trình nghị sự quốc gia và quốc tế. Qua đó nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn vốn ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cản trở tiến trình hướng tới bền vững.

Theo nhiều chuyên gia, toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm hiện mang tính chất xuyên quốc gia cần trở thành đối tượng kiểm soát quốc tế. Hai khâu đặc biệt cần chú ý: kiểm soát, duy trì an toàn vệ sinh trong sản xuất; thông tin cho người tiêu thụ.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lo vệ sinh an toàn thực phẩm trên toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO