Nỗi lòng công nhân

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/05/2023 08:50

Sau mấy năm dịch COVID-19 hoành hành, tình hình doanh nghiệp còn khó khăn hơn khi gặp suy thoái kinh tế, đứt gãy thị trường, thu hút đầu tư sụt giảm… Hậu quả là nhiều doanh nghiệp bị mất đơn hàng, đồng nghĩa là đời sống công nhân bấp bênh.

Tại trung tâm công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, báo chí đưa tin do khó khăn về đơn hàng, nhiều doanh nghiệp không tổ chức tăng ca, đồng thời cho người lao động nghỉ làm việc ngày thứ Bảy. Đặc biệt, hầu hết doanh nghiệp ngành dệt may đều đang trong giai đoạn “cầm cự”.

Giữa bối cảnh đó, việc Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp (nhất là doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc da giày) để nắm bắt tình hình chăm lo đời sống công nhân là hết sức cần thiết.

Trong hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động tổ chức tại Tam Kỳ vừa qua, đã có nhiều ý kiến nêu lên những băn khoăn về chế độ chính sách chưa hợp lý, chất chứa bao nỗi lòng trăn trở về đời sống công nhân.

Chẳng hạn, đã có nhiều kiến nghị chính quyền thực thi chế tài đủ mạnh để triệt để ngăn chặn tín dụng đen, cho vay nặng lãi tác động tiêu cực đến đời sống công nhân; giải quyết tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ở nhiều doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động (NLĐ); kiểm soát và có giải pháp để các doanh nghiệp thực hiện việc trích đóng BHXH cho NLĐ tương đương mức lương thực nhận; đề nghị miễn đóng các khoản BHXH theo quy định trong giai đoạn đi làm sớm hơn thời gian nghỉ thai sản; cần rút ngắn độ tuổi nghỉ hưu tùy theo ngành nghề; giảm thời gian giải quyết chế độ BHXH một lần...

Bên cạnh đó, công nhân lao động phản ánh khó khăn về chỗ ở, về mua nhà ở xã hội nên đề nghị Nhà nước quan tâm xây dựng các khu nhà ở thu nhập thấp, khu ký túc xá công nhân; đồng thời triển khai xây dựng khu nhà trẻ, trường mầm non, khu vui chơi, sinh hoạt cộng đồng, chợ tại khu công nghiệp…

Rõ là bộn bề lo toan với công nhân, không chỉ là chính sách mà còn ở chất lượng đời sống, trong khi đồng lương còn ít ỏi, thiếu thốn vây bủa. Xem một video về những ý kiến của công nhân lao động trên Báo Quảng Nam (https://baoquangnam.vn/tin-tuc-su-kien/video-nhieu-kien-nghi-chinh-dang-cua-cong-nhan-142128.html) sẽ thấy những điều cần suy tư về việc sửa đổi chính sách, truyền thông và thực thi chính sách thế nào cho sát sườn với đời sống. Ví như trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhất là phương án rút BHXH một lần chỉ được rút 50% số năm đã đóng.

Nhưng  thực tế có nhiều trường hợp NLĐ đi làm từ rất sớm, nên thừa năm đóng BHXH mà thiếu tuổi nghỉ hưu, nhất là từ khi tuổi nghỉ hưu tăng lên theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Vì vậy công nhân đề nghị xem xét hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu, để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Hay như tình trạng bất cập là Nhà nước có chính sách cho vay vốn mua nhà ở xã hội nhưng tại KCN Tam Thăng không có nhà ở xã hội; còn về hỗ trợ vay để xây nhà, sửa chữa nhà nhưng NLĐ hiện nay không có đất thì khó thực hiện.

Đáng chú ý là đã có nhiều nữ công nhân nêu lên những nỗi trăn trở rất đời, như phát biểu của các chị Nguyễn Thị Ái Sanh, Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Công ty Panko), Hoàng Thị Kiều Vân (Công ty TNHH Moon Chang Vina), Nguyễn Kim Châu (Công ty Fashion Garment)…

Được biết trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dự kiến sẽ có bàn thảo về một số chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ, hy vọng những kiến nghị của công nhân sẽ được phản ánh đầy đủ tại nghị trường, nhằm giúp cho việc “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” như nghị quyết của Đảng, mà trước hết là cải thiện đời sống công nhân, NLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn thời phục hồi kinh tế sau đại dịch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi lòng công nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO