Nhà tôi ăn chay đã 22 năm. Nhờ má nấu giỏi nên món chay nào cũng thơm lừng, bắt mùi, bắt vị, hao cơm phải biết, đặc biệt là món mít kho đậm đà khó quên.
Nhà tôi có hơn 10 cây mít được ngoại trồng hồi bà còn sống, chắc mỗi cây tuổi đời đã ngoài 40. Mít ướt mít ráo có đủ cả. Má thường chừa một số trái để cho lớn, già rồi chờ chín để cắt chia cho hàng xóm.
Mít ngoại trồng là “hàng tuyển” nên khá thơm ngon, giòn ngọt. Hạt mít cũng ngon, má hay gom lại nấu rồi tán nhuyễn để làm nhân bánh, loại bánh làm bằng bột sắn mà tôi vẫn thường ăn lúc bé, thơm ngon, bùi béo.
Còn lại, những trái mít non khác, má sẽ để dành kho và cho hàng xóm nếu họ cũng muốn ăn mà không có nguyên liệu. “Mỗi cây mít chỉ nên nuôi khoảng 7 trái thôi, còn lại có thể hái bớt trái non cho cây khỏe mạnh, ra trái lâu dài, không bị mất sức”, má nói.
Mít non má hái xuống, để từ 1 - 2 ngày cho ráo mủ. Mủ mít trắng tinh chảy ra từ cuống của trái, đóng thành cục, ngày xưa ngoại hay tận dụng mủ này bằng cách quấn lại thành cục để giàn bếp. Khi cần vá gàu hay thùng nước bị lủng thì sẽ thui trên đèn dầu và dán mủ ấy vào chỗ hở, có thể dùng được ít lâu nữa.
Cũng trong thời đó, mít kho là thức ăn “cây nhà lá vườn” được ưa chuộng bởi nguyên liệu có sẵn trong vườn. “Chỉ cần một ít dầu, đường, muối và bột ngọt là có một nồi mít kho ăn được mấy ngày cho cả nhà”, má kể.
Khi trái mít đã ráo mủ, má sẽ gọt hết lớp vỏ gai bên ngoài, rửa sạch rồi bắc lên bếp. Ở nhà, má vẫn còn dùng bếp củi song song với bếp ga. Theo má, với những món kho cần để lâu trên bếp thì dùng bếp củi sẽ ngon hơn.
Củi ở quê cũng dễ kiếm, chỉ cần đi ra sau rừng keo lá tràm, khi người ta thu hoạch xong, nhiều cành nhánh sẽ được tận dụng đem về chất vào kho ở sau nhà chụm dần.
Má sắp từng miếng mít đã được gọt sạch, xắt vuông vức vào nồi, đổ nước xâm xấp. Xong, má nêm nếm muối, đường, bột ngọt vừa phải, tùy theo số trái mít được gọt, rồi cho lửa liu riu đến khi nước cạn sát đáy nồi là vừa chín.
Dịp tết vừa qua, má kho 3 trái trong nồi con, đủ cúng ông bà ba ngày, sau đó là dọn lên cho mấy anh chị con dì Ba ở xã khác về thắp nhang cho ngoại vào mùng 2 Tết ăn.
“Ngoại con hồi đó thích ăn món mít kho lắm. Ngoại kho ngon hơn má. Ngoại cũng dễ ăn uống như con vậy đó”, má tôi vẫn thường nhắc về ngoại mỗi khi hái mít, gọt vỏ rồi bỏ vào nồi kho.
Tôi vẫn nhớ ngoại mình nhiều, nhất là vào dịp tết. Dáng ngoại dường như vẫn còn rõ mồn một trong ký ức mỗi khi tôi ngồi phụ má chụm cây củi nhỏ vào bếp khi nồi mít đang sôi. Đó là bóng dáng thân thương khó quên, nhất là khi ngoại bưng chén cơm lúa mới, bỏ lát mít kho lên và ăn ngon lành.
Hồi những năm chín mấy, chỉ tết mới được ăn cơm no và có thêm những món ngon khó cưỡng. Ngoại vẫn luôn dành cho tôi những miếng ngon nhất vì biết thằng cháu thèm, đang tuổi ăn tuổi lớn.
Ngoại tôi rời cõi tạm đã hai mấy năm. Má con tôi quyết định ăn chay trường cũng vì (hay là nhờ) ngoại. Hồi đó ngoại bệnh, nhà nghèo quá, má tôi chỉ nghĩ được mỗi một việc thiện đó là ăn chay trường để hướng tâm cầu an cho ngoại được khỏe mạnh, hoặc nếu không thể hồi phục thì ra đi nhẹ nhàng. Có lẽ vì tâm hiếu của má mà ngoại đã đi nhẹ như vào giấc ngủ sau vài tháng tai biến, phải nằm liệt một chỗ.
Di sản của ngoại để lại cho má nhiều lắm, không phải là tiền bạc mà là những tình thương vô bờ bến, những món ăn ngon chỉ có ngoại mới làm được như vậy, trong đó có mít kho.
Năm nay, má tôi học thêm công thức của sư cô trong ngôi chùa gần nhà nên thêm vào nồi mít một lon nước ngọt có ga. Có lẽ vì vậy mà từng lát mít mềm mại, thơm và đậm vị hơn một chút.
Bới một chén cơm nóng, bỏ lát mít kho vào chén, cắn một miếng rồi và cơm, vị béo, thơm, ngọt, bùi xen lẫn của từng múi mít, xơ mít khiến mình không ngừng ăn lại được. Vừa ăn vừa khen “ngon quá má ơi”.
Má nhìn tôi ăn, nghe tôi khen trong bữa cơm đầu năm mới khi con trai đi xa cả năm mới về và mỉm cười hoan hỉ. Hai má con chợt nhận ra mùa xuân đã về trong ngôi nhà neo người, thấy ngoại hình như cũng đang mỉm cười bình an sau một đời nghèo khổ, đi qua bao thăng trầm, sương gió.