Người Quảng chỉ rất rõ “nơi mô” ấy trong câu ca lưu truyền lâu đời, là “đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm”. Dù lịch sử có nhiều biến thiên về tách/nhập đơn vị hành chính, nhưng cốt lõi Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn là sự gắn kết không thể tách rời với “ơn trọng nghĩa dày”.
Có một Quảng Nam rộng từ thời vua Lê Thánh Tông (1471) cho đến thời Gia Long (1803), bao gồm cả vùng đất rộng lớn mở về phương nam tới bắc đèo Cù Mông.
Có một Quảng Nam hẹp từ thời nhà Nguyễn sau 1803, là một dinh, một tỉnh gần trùng khớp phạm vi Quảng Nam - Đà Nẵng ngày nay.
Từ sau 1945 đến nay, Quảng Nam - Đà Nẵng lại thêm mấy lần tách/nhập vì yêu cầu của kháng chiến, rồi kiến tạo vùng phát triển.
Như vậy có biến thiên thế nào, rộng hay hẹp, thì cái lõi của vùng đất với một không gian không thể tách rời từ địa lý, kinh tế, văn hóa... Ngay trong thời kháng chiến, Quảng Nam và Đà Nẵng cũng chung chiến hào, vành đai diệt Mỹ ở Hòa Vang và Chu Lai vẫn chia lửa cho nhau.
Đà Nẵng có lúc là đặc khu riêng biệt nhưng có những căn hầm ở Giáng La (Điện Thọ), Xóm Bùng (Điện Hòa), Điện Ngọc, hay như tôi biết di tích vườn nhà mẹ Mễ (Điện Thắng)… của Điện Bàn chính là nơi những cơ quan chỉ huy các quận và TP. Đà Nẵng từng đứng chân.
Trong Tết Mậu Thân 1968, nhà thơ Thu Bồn về tới dòng sông quê mẹ, đã viết bài thơ thúc giục đoàn quân tiến vào Đà Nẵng, với “Đà Nẵng gọi ta” tha thiết như “người yêu gọi người yêu xa cách”. Giờ đây, kỷ niệm tròn 50 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3), hẳn nhiều người lại nhắc nhớ những Hòn Tàu, Gò Nổi, Vu Gia, Thu Bồn… mang hồn thiêng xứ sở đã bảo bọc, dưỡng nuôi những đứa con thành phố đi qua chiến chinh.
Trong bước chuyển mình cho giai đoạn phát triển mới, Quảng Nam - Đà Nẵng đã và sẽ là không gian kinh tế kết nối chặt chẽ về hạ tầng. Trong hai lần ra kết luận khi làm việc với Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đều nhấn mạnh phải chú trọng xây dựng và triển khai các dự án động lực để kết nối vùng, từ trục dọc Đà Nẵng đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, và các trục ngang nối vùng đông Quảng Nam (hạt nhân là Chu Lai) lên Trường Sơn và các cửa khẩu quốc tế.
Ít có vùng đất nào nhiều lợi thế như Quảng Nam - Đà Nẵng, bởi có hai sân bay quốc tế, 3 cảng biển lớn, có đủ các trục đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, có các khu công nghiệp, trung tâm logistics, du lịch, thương mại lớn nhất vùng duyên hải Trung Trung Bộ.
Chuyện chiến lược kinh tế ra sao thì sẽ còn tính dài dài nhưng hằng ngày dòng sinh kế đời sống thì vẫn không ngừng chảy. Như bao đời, người Quảng Nam vẫn tìm ra phố mưu sinh, từ chạy chợ, làm thợ, công nhân, công chức…
Còn phía Đà Nẵng rất cần Quảng Nam cung ứng hàng hóa mỗi ngày, nhất là cá mắm, rau củ các loại, đồng thời tiêu thụ cho mình những sản phẩm công nghiệp. Dòng người và hàng hóa vẫn chu chuyển theo tuyến logistics tự nhiên hình thành theo các cấp độ từ sơ khai đến hiện đại qua hàng trăm năm.
Nói chuyện ơn trọng nghĩa dày, là đụng đến điều cốt tủy này - không gian văn hóa. Các di sản văn hóa được tạo dựng trên vùng đất này đã thấm bao máu xương của tiền nhân người Quảng, giờ đây trao truyền gia tài lại cho con cháu. Không kể chuyện đâu xa, nếu đi qua phố phường thì đã thấy tên đường từ Đà Nẵng, Điện Bàn, Hội An, Nam Phước, Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành… đều mang danh vị của các bậc danh nhân xứ Quảng.
Câu hò khoan, hát bội, bài chòi… cùng những giá trị văn hóa phi vật thể vẫn còn để lại bao nhớ thương nguồn cội. Rồi hầu hết người ở phố mà gia tộc dòng họ, mồ mả ông cha vẫn ở quê, vẫn đi về thường xuyên mỗi kỳ lễ chạp. Một không gian văn hóa mà mạch nguồn xứ sở đã thấm đẫm ơn trọng nghĩa dày là vậy.
Giờ đây, thế hệ con cháu hôm nay nhận lấy gia tài ấy của cha ông để phát triển xứ Quảng sao cho đời sống hạnh phúc, văn hóa được tô bồi, kinh tế được hưng thịnh, là một hành trình luôn luôn đòi hỏi một tâm thế ứng xử giàu tính nhân văn.