Chị tên là Bé Đủm, cao chỉ hơn mét ba mấy phân. Chị Bé Đủm ba mươi tuổi, có thâm niên bán chè gánh mười lăm năm. Chè chị bán thì đủ loại. Đậu xanh, đậu đỏ, đậu ngự, đậu ván, trôi nước, bột lọc. Mỗi loại còn chia làm hai phe: đặc và nước. Còn chưa kể đến các món là tổ hợp chập hai, chập ba, chập bốn của các loại trên. Và món chè thập cẩm, tức là mỗi thứ một muỗng, không thiếu thứ gì kể cả nước dừa và đá. Chè chị nấu, chưa ai tìm ra được điểm nào để chê, dù là người khó tánh nhất. Vừa mềm, vừa bùi, vừa y nguyên hạt đậu chứ không nát như chè của mấy bà sồn sồn khác lâu lâu lạc vào con hẻm này. Mới đầu, mọi người cũng gọi mấy bà đó lại ăn thử. Nhưng, rồi vừa ăn vừa tức. Cũng đậu này, đường này, sao con Bé Đủm nó nấu ngon vậy mà mấy bà nấu gì sượng trân (hoặc nát bét) hạt đậu, lại lạt nhách.
Minh họa: VĂN TIN |
Chị Bé Đủm kể mình có hai đứa con gái sanh đôi, tám tuổi, học lớp ba. Chị khoe, hai đứa con tôi nhỏ vậy chứ giỏi lắm à nghen. Ngâm đậu, giã gừng rồi trông bếp cho mẹ. Tôi đi bán về là có cơm ăn liền hà. Mà trong hai đứa, thì con em lanh hơn con chị. Con chị khờ, tôi nói gì cũng tin. Chứ con em nó hay vặn vẹo lắm. Có người cắt ngang “thế ba tụi nhỏ đâu?”. Ở nhà ổng chứ đâu. Từ ngày hai đứa nó đẻ ra đến giờ, ổng có ghé thăm lần nào đâu. Chị vừa nói vừa múc chè, tay thoăn thoắt. “Chà, giỏi dữ hen. Một mình nuôi hai đứa con”. Giỏi gì bác, mình đẻ ra, không nuôi thì ai nuôi.
Chị Bé Đủm đem ảnh hai đứa con gái ra khoe. Trời, chúng giống nhau như hai giọt nước nè. Thì đúng rồi, chị em sanh đôi mà. Nhưng không đứa nào giống mẹ. Chúng cao hơn mấy đứa cùng tuổi thấy rõ. Ờ, ba nó cao lắm, gần hai thước cũng nên. Mà tám năm rồi không gặp lại, có khi nào ổng lùn bớt không ta. Trời đất, bộ ổng già lắm sao mà lùn bớt. Ủa, tôi tưởng nhớ ai đó nhiều quá cũng làm người ta lùn đi chứ! Cái cô này, làm như cô lùn vậy là bởi nhớ người khác chắc. Sao không, tôi lùn vậy là vì nhớ người ở kiếp trước đó. Mọi người vừa ăn chè vừa được cười khuyến mãi. Nên coi như chè của chị rẻ như cho.
Chị Bé Đủm kể trước chị ở trọ trong mấy xóm trọ nghèo gần ga tàu lửa. Hai đứa con gái, hai năm ở nhà bà ngoại dì trong quê, học trường làng. Bà dì mất đột ngột vì tai biến mạch máu não, chị không còn ai nhờ vả, đành mang hai cô bé có cặp giò dài ngoẵng lên phố. Lại ở nhà thuê. Nhưng chị khoe bà chủ nhà cũng tốt bụng, chưa lần nào dọa đuổi ba mẹ con nửa khuya như mấy bà chủ trước.
Chủ nhật, chị Bé Đủm hay dắt theo con chị, để rửa ly giúp. Với lại, chị cũng muốn nó học thêm cách… nói chuyện, cho nó khôn ra bớt. Chị thường than con chị này nó hiền lắm, ai nói gì cũng tin. Y như mẹ nó ngày xưa vậy á. Tại tin người nên mới có hai đứa con sanh đôi này đây. Thôi thì coi như trong cái rủi có cái may. Hai đứa nó cũng mau ăn chóng lớn, lại ngoan ngoãn dễ dạy. Nhưng mà, mấy bác biết không, đời giờ, hiền là bị ăn hiếp, ngóc đầu không nổi đâu. Nè Hiếu, mang chè vào nhà dì Năm cho mẹ. Cái con này, tội nghiệp, nó cứ tưởng ba nó bị tàu cán chết thiệt bác ơi. Tại hồi ở với bà dì, bả dạy nó nói với hàng xóm vậy á. Tôi biết, trách, bả mắng: “Chứ hai đứa con xinh đẹp vậy, chỉ có bị tàu cán chết mới không đến nhận”. Con em thì không tin đâu à. Có đêm, ngồi bên nồi đậu đang nấu, nó hỏi tôi: “Sao ba bỏ mẹ đi? Mẹ làm gì sai hả mẹ?”. Nghe mà buồn thúi cả ruột. Bác coi, hai đứa nằm chung trong bụng tôi cùng một lúc mà khác xa nhau vậy đó. Có bữa hai đứa ngồi cãi nhau. Con em bảo lớn lên con sẽ đi tìm ba về cho mẹ. Con chị kêu trời đất, ba chết rồi, mày đi đâu mà tìm? Con em tức bảo chị dại lắm, ba còn sống sờ sờ ra đó mà chị bảo ba mất rồi. Ba mất rồi sao không thấy ảnh thờ của ba trên bàn thờ mà chỉ có ảnh ông bà ngoại thôi? Con chị ấp úng ờ thì tại ba không có ảnh. Tôi đi bán về, nghe hai đứa cãi nhau, cứ đứng mãi ngoài cổng. Lúc sau, con chị nhìn ra thấy mới kêu ủa sao mẹ không vào nhà. Tôi thấy lạ là sao hai đứa không hỏi tôi để khỏi tranh cãi nữa. Mà tôi thì chẳng biết nói làm sao. Tôi cũng chưa lần nào về quê ba tụi nhỏ. Chỉ nghe ổng nói quê ổng cũng nghèo lắm. Hồi đó, ổng ra đây bán chiếu dạo rồi gặp tôi. Khi tôi bảo mình có thai thì ổng mới khai thiệt ổng đã một vợ ba con trong đó rồi. Lần đó, ổng nói về quê nửa tháng rồi trở ra. Rồi ổng đi đến giờ…
Bẵng đi một thời gian dài, không thấy chị Bé Đủm gánh chè qua, mọi người trong hẻm thấy nhớ nhớ, không chỉ vì những ly chè thơm ngọt mà còn vì cái miệng nói chuyện rất có duyên của chị nữa. Nhưng cũng không ai làm cái việc bao đồng là đi tìm hiểu chị có chuyện gì. Chè nhớ thật, cái miệng có duyên cũng nhớ thật. Nhưng, sống trên đời, chỉ vì nhớ vu vơ những thứ không có cũng không sao ấy mà bỏ công đi hỏi thăm này nọ thì… hơi đâu. Mọi người trong hẻm bắt đầu quen với những gánh chè mới. Và quên dần chị Bé Đủm…
Tôi cũng là một trong những người hay ngồi vừa ăn chè vừa nghe chị Bé Đủm kể chuyện. Cũng là người thấy nhơ nhớ chị thời gian đầu con hẻm vắng tiếng nói, tiếng cười giòn tan của chị. Cũng là người đã sắp quên mất chị. Nếu không có một buổi chiều…
Tôi đang ngồi ở một quán vỉa hè chờ người bạn để cùng nhau đi shopping thì có một bé gái đến mời mua vé số. Tôi lắc đầu, gặp nỗi thất vọng não nề trong đôi mắt cô bé. Nhưng những đôi mắt như thế, ngày nào tôi cũng gặp, như những dấu lặng thoáng qua giữa cuộc đời, lâu thành quen, không còn thấy xót xa nữa. Chỉ có điều không hiểu vì sao tôi thấy cô bé quen quen, hình như đã gặp ở đâu rồi.
Đang thử váy trong shop Ngọc Tiên thì tôi nhớ ra. Cô bé ấy chính là đứa con gái mà chị Bé Đủm hay dắt theo những chiều chủ nhật. Nhưng rõ ràng chị kể nó đang đi học mà, sao lại đi bán vé số vào giờ đó? Đã có chuyện gì với ba mẹ con chị rồi? Chị thương con thế mà lại để nó đi bán vé số sao? Hay là chị…? Những câu hỏi cứ xoáy lấy tôi. Tôi bỏ giữa chừng buổi shopping, lấy lý do chóng mặt. Tối đó, tôi không ngủ được. Sao tôi không nhớ ra cô bé sớm hơn nhỉ? Trời ơi, ánh mắt đó, ánh mắt thất vọng não nề kia, sao tôi lại bỏ qua? Nhưng thành phố rộng lớn thế này, tôi chẳng biết đi đâu để tìm chị và hai đứa con sinh đôi. Mà, tìm được chị rồi, tôi sẽ làm gì tiếp?
Một lần, ngồi chờ sửa xe ở một ngã tư, nghe bà bán thuốc lá kể chuyện ở ngã tư này cách đây nửa năm có vụ tai nạn kinh hoàng lắm. Hai mẹ con, mẹ thì lùn có khúc, con thì cao lêu nghêu đang qua đường thì bị chiếc xe con lao tới, húc chết cả hai. Tôi rụng rời chân tay, lắp bắp hỏi: “Hai mẹ con đang làm gì mà sang đường?”. “Mẹ đón con đi học về. Tội nghiệp, con bé mặc bộ đồng phục quần xanh áo trắng, ai nhìn cũng ứa nước mắt”. “Chị ấy tên gì bác có nhớ không?”. “Ai đi nhớ tên người xấu số làm gì hả cô? Tôi thấy thế đã sảng hồn dọn quán nghỉ cả mấy ngày”.
Chắc không phải chị đâu. Chị có hai đứa con sinh đôi mà, làm gì có chuyện đón một đứa. Mà chị bảo con em nó lanh lắm. Hai đứa, có một đứa lanh, học xong hai chị em nắm tay nhau về, cần gì chị đón. Nhưng, còn việc tôi gặp cô bé chiều hôm đó thì sao? Không có chuyện gì sao em phải bán vé số một mình với đôi mắt u sầu như vậy? Em là cô chị tin ba mình đã chết vì tàu lửa cán hay cô em nhất quyết ba vẫn còn sống?
Tôi biết tin vào điều nào đây, chừng nào chưa gặp lại chị, hoặc ít ra cũng gặp lại cô bé bán vé số vừa hớt hải như sợ ngày sắp hết, lại vừa mệt mỏi chán chường như mong mau chóng kết thúc một điều gì đó của buổi chiều hôm ấy. Cô bé ấy, có đang trong nỗi đau mất người thân? Hay nỗi buồn nào khác? Nhưng chắc chắn là phải có chuyện gì đó không lành với gia đình bé nhỏ của chị Bé Đủm rồi. Con hẻm nhỏ đã vắng tiếng nói cười và đôi tay múc chè thoăn thoắt của chị hơn nửa năm.
“Chị Bé Đủm ơi, tôi lùn lại mất mấy phân rồi nè, vì nhớ chị đó. Chị đang ở đâu?”. Tôi cầu mong, dù đang ở đâu đó trong cuộc đời này, chị hãy một lần nghe thấy lời tôi mà trả lời.
Dù tôi cũng chưa biết mình sẽ làm gì tiếp theo, khi gặp lại chị…
NGÔ THỊ THỤC TRANG