Việc chia tách hay sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử vùng đất. Mỗi lần như vậy đều có những tâm tư. Thời điểm này, trước khi về lại chung một nhà, mỗi người Quảng chúng ta lại bộn bề lo toan. Nhìn lại năm 1997 rồi hãy nhìn tới tương lai: Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ phát triển được không?
Việc chia tách hay sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng đã diễn ra nhiều lần trong lịch sử vùng đất. Mỗi lần như vậy đều có những tâm tư. Thời điểm này, trước khi về lại chung một nhà, mỗi người Quảng chúng ta lại bộn bề lo toan. Nhìn lại năm 1997 rồi hãy nhìn tới tương lai: Quảng Nam - Đà Nẵng sẽ phát triển được không?
Sở dĩ nhắc lại nỗi nhớ… chín bảy, là vì trong gần 30 năm ấy đã kịp tiếp nối thế hệ mới khi lớp cũ hồi chia tách tỉnh dần lui về hậu phương, nghỉ hưu, nghỉ theo chính sách tinh giảm để sắp xếp bộ máy.
Và cuộc đi của những cán bộ không nằm trong diện được nghỉ sớm có chế độ đãi ngộ, sẽ là thử thách cho phần lớn anh chị em trong quãng tuổi từ 36 đến dưới 50 còn con nhỏ đang học hành, nếu gặp cảnh cha già mẹ yếu nữa thì thêm khó khăn.
Nói tâm tư thì chắc chắn có, cũng không khác mấy thời Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân về Quảng Nam lúc chia tách bộc bạch trong bài báo đăng trên đặc san xuân Quảng Nam - Đà Nẵng năm 1997, rằng: “Tết Đinh Sửu một ngàn chín trăm chín bảy này, cái tên Quảng Nam - Đà Nẵng không còn nữa. Nó đã thành hai cái tên đơn vị hành chính tách biệt: Tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc trung ương.
Đi cùng với việc chia tách này là những niềm vui và những nỗi buồn, những phấn khởi và những lo toan, những thuận lợi và những khó khăn đan xen nhau…
Có ông bạn đã về hưu ở Hà Nội, sau khi hay tin hai nơi đã về làm việc ở hai đơn vị hành chính mới đã gọi điện hỏi tôi: Tỉnh Quảng Nam được chia ra liệu có phát triển được không? Tớ thấy nhiều khó khăn lắm đấy!”.
Không nói về cái riêng mà nói cái chung thì Quảng Nam của 30 năm trước, thực tế đã gánh cái khó vô cùng lớn như ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh (cũ) phân tích: “Chúng ta hoàn toàn hiểu và thông cảm những khó khăn chất chồng của Quảng Nam. Ở đây có 6 huyện miền núi với thiên nan vạn nan phải kiên trì giải quyết trong nhiều thập kỷ.
Đây là vùng chịu những di hại nặng nề của chiến tranh, nơi có nhiều người và gia đình có công, đòi hỏi những cố gắng lớn trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Đây là vùng có tỷ lệ hộ đói nghèo cao, cũng là vùng thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai và những hậu quả to lớn của lũ lụt năm 1996 đang cần những nỗ lực lớn để khắc phục”.
Giờ đây “lớp người 97” sẽ dễ nhớ lại và so chiếu hành trình đi qua để thấy Quảng Nam đã vượt xa thời tách tỉnh, từ khó nghèo hàng nhất nước, công nghiệp hầu như không có gì, nay quy mô nền kinh tế và thu ngân sách “xem xem” Đà Nẵng dù phải giải quyết những câu chuyện “thiên nan vạn nan” như cụ Nguyễn Đình An đã nói.
Nay nếu nhập lại một nhà, cả vùng đất như “hùm thêm cánh”, sẽ có cơ hội bứt phá mà dư địa phát triển về phía Quảng Nam có nhiều vượt trội.
Muốn hiểu điều gì vượt trội, có lẽ phải dẫn lại bài của Bí thư Tỉnh ủy Mai Thúc Lân “Đầu xuân suy nghĩ về Quảng Nam trong tương lai”, để thấy tầm nhìn của một lãnh đạo đầy tâm huyết thời ấy, nhận định “Quảng Nam là một tỉnh có cả rừng, biển và đồng bằng, trung du, hải đảo. Đó là một ưu thế lớn”.
Nay có thể bổ sung cho nhận định này với ưu thế của cả vùng Quảng Nam - Đà Nẵng có nhiều di sản giá trị, hai di sản thế giới Mỹ Sơn, Hội An. Có đô thị động lực phía bắc là thành phố Đà Nẵng làm trung tâm tài chính, du lịch, thương mại khu vực. Tương lai có sân bay Chu Lai đẳng cấp 4F, cùng hệ sinh thái đô thị kéo thành vệt từ Núi Thành ra Tam Kỳ, Thăng Bình, nam Hội An…
Bổ sung và làm sáng rõ hơn chuyện xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng “phồn vinh về kinh tế, tốt đẹp về xã hội, ổn định về chính trị, vững mạnh về an ninh quốc phòng” là một ước mong xuyên suốt diễn trình phát triển.
Đã rõ sự phát triển theo đường “xoáy ốc” có tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên. Mỗi vòng của đường “xoáy ốc” thể hiện sự lặp lại nhưng cao hơn, thể hiện trình độ cao hơn của sự phát triển.
Rẽ qua khúc ngoặt lịch sử này, vận mệnh tương lai Quảng Nam - Đà Nẵng phụ thuộc vào chính bản lĩnh, hành động con người trong vòng “xoáy ốc” ấy. Nhớ thời chín bảy để đồng cam cộng khổ, nỗ lực vượt lên chính mình, trước hết cần thấu tình đạt lý trong giải quyết công tác cán bộ đồng thời hiệu triệu cho được sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn dân khi hoạch định và vận hành chiến lược kinh tế - xã hội.