1.“Thấy đèn đỏ bật lên, tôi liền dừng lại. Một hành khách vừa lúc đó cũng xuống xe. Vài ngày sau, tôi nhận được thông báo vi phạm phải nộp phạt vì trả khách sai chỗ. Đây là kiểu phạt nguội của lực lượng chức năng, thông qua hình ảnh “núp bóng” chụp được” - một tài xế lái xe buýt tâm sự. Lý do mà bác tài bày tỏ nỗi niềm cùng Sáu Còi là bởi không phục với cách xử lý cứng nhắc vừa nêu. Xe buýt ai cũng muốn đậu đỗ đúng nơi quy định, nhưng khách thì không ai tập trung. Chuyện yêu cầu dừng cho khách xuống xe chiếm số đông. Đôi lúc ngại bị “đối tác” phàn nàn, cánh tài xế “linh hoạt” tháo gỡ rồi rước họa vào thân. Qua phản ánh, quốc lộ 1 đoạn từ cửa ngõ phía bắc tỉnh lỵ Tam Kỳ ra đến trước Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam (phường Vĩnh Điện, Điện Bàn) dài gần 40km tuyệt nhiên vắng bóng… nhà chờ, điểm dừng xe buýt. Vậy thử hỏi, xe buýt dừng đón - trả khách ở đâu để khỏi vi phạm? Sáu tôi thiết nghĩ, muốn hướng hành khách tuân thủ chặt chẽ quy định sử dụng dịch vụ vận tải công cộng mang tính văn minh, giảm thiểu phương tiện xe máy lưu thông trên đường để kiềm chế tai nạn thương tâm có thể xảy ra thì cần có lộ trình. Mà ở đó, những người có trách nhiệm phải vào cuộc lo khâu quy hoạch và bố trí lắp đặt, hoặc chỉ đạo lắp đặt nhà chờ, điểm dừng xe buýt. Những hạng mục thiết yếu kia triển khai hoàn chỉnh và khoa học, lúc ấy, nhà xe dẫu bị xử phạt cũng cảm thấy… thỏa lòng.
2. Ngày qua ngày, bà Lê Thị Thương lại miệt mài chở khách sang sông Thu Bồn, trên tuyến đò ngang Ông Đốc - Văn Ly, thuộc địa phận thị xã Điện Bàn. Hơn 60 tuổi đời, bà có trên 50 năm gắn bó nghề đưa đò. Thời khói lửa, người con gái kiên trung của vùng quê cách mạng Điện Hồng cùng mẹ chèo ghe chở lương thực, thuốc men, đưa bộ đội sang sông phục vụ chiến đấu. Hòa bình lập lại, bà tiếp tục gắn bó với nghề. Và nay, người phụ nữ này vẫn “sát cánh” con trai vận hành thuyền máy chuyển khách, thu nhập không đến nỗi nào. Song như bà nhiều lần giãi bày: “Cái tuổi nó đuổi xuân đi” rồi con à. Vả lại, bà trông con mình dành thời gian lo gia đình riêng, chứ nó suốt ngày bám mãi ngoài đây vất vả quá. Hơn nữa, kinh tế - xã hội muốn đột phá đi lên thì phải xây dựng cây cầu để lưu thông cho thuận lợi và an toàn, đặc biệt là mùa mưa bão”. Gặp cán bộ địa phương đi đò, bà Thương dò hỏi: Chủ trương phát triển hệ thống giao thông của tỉnh những năm đến có đưa việc xây dựng cầu Ông Đốc không chú? Vị này cho hay, dự án nằm trong Nghị quyết số 133/2014/NQ-HĐND mà HĐND tỉnh quyết nghị thông qua về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 nhưng chưa rõ thời điểm thực thi. Sáu tôi được biết, cầu Ông Đốc khi xây dựng sẽ nối cuối tuyến ĐT610B rồi bắc qua sông Thu Bồn, để kéo dài nối vào quốc lộ 14B, trên cơ sở nâng cấp tuyến ĐH3.ĐL (Đại Lộc) đang thi công. Công trình đóng vai trò “trung gian” kết nối quốc lộ 1 (Duy Xuyên) - quốc lộ 14B, giao nhau cùng ĐT609B - đường dẫn cầu Giao Thủy tạo thành trục chiến lược vùng tây bắc. Khát khao cháy bỏng của nhân dân và cán bộ về một cây cầu Ông Đốc vững chãi bao đời là có thật. Biết rằng cần có lộ trình, song tận tâm can, bà con thiết tha các cấp, các ngành vạch ra kế hoạch phấn đấu cụ thể xây dựng cầu để người dân được lưu thông thuận lợi.
SÁU CÒI