Lên chức ba ở tuổi 60 - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc gần như chắt cạn lòng mình ra để yêu thương con gái. Anh gom tình thương chan chứa đó vào tập tùy bút đầy xúc động, với những câu chữ ngọt ngào nhưng không kém phần dí dỏm, hài hước “Từng ngày ba mẹ thở theo con”.
Xuyên suốt nội dung quyển sách là hành trình từ ấp ủ thương yêu của người làm ba, làm mẹ với một sinh linh bé bỏng sắp tượng hình đến việc lóng ngóng đón nhận tiếng khóc đầu đời của con. Hành trình tự mày mò tìm hiểu những bí mật của thế giới trẻ con tưởng chừng bé bỏng nhưng bao la trước mắt để “thở cùng con, lớn cùng con” từng ngày.
Mọi thứ xảy đến “lần đầu tiên” với ông ba tuổi 60 mới thật lạ lùng và đáng yêu làm sao. Anh đón nhận con gái đến với cuộc đời như đón nhận một cuộc tái sinh kỳ diệu. Để rồi ngơ ngác bàng hoàng hỏi nhỏ: “Này, con đã nói gì qua tiếng khóc oe oe trong lần đầu tiên mà chúng ta làm bạn cùng nhau đến trọn vẹn kiếp người?”(Giao cảm cùng tiếng khóc).
Cái thế giới ba người của nhà thơ Lê Minh Quốc thật rộn ràng và cũng thật dịu dàng kể từ khi con gái anh chào đời. Một cuộc đời vừa đến, một chồi non vừa nhú, một mầm xanh vừa lên… khiến người đàn ông lục thập phải “mỗi ngày cúi xuống nghiêng tai/ lắng nghe nhịp thở đất đai nảy mầm”.
Thế giới ấy mỗi ngày trở nên bận rộn hơn: bận rộn yêu thương chăm chút cho con, bận rộn chơi cùng con và cũng thật bận rộn lo toan đến nghẹt thở mỗi khi con trở bệnh, ba mẹ phải ôm con xồng xộc vào bệnh viện lúc nửa đêm…
Chưa kể, có một sự thật mà dường như anh đã nói hộ nhiều phụ huynh. Đó là mỗi đêm con ngủ, ba mẹ thường hồi hộp theo dõi từng nhịp thở của con, “thở theo con”, tim óc họ luôn phập phồng bất trắc. Rồi chừng như mọi thứ trên đời đều xếp sau sức khỏe của con.
Là bởi: “Hạnh phúc nào đã đến, đang đến ta đều có cảm giác như đang cầm gọn trong lòng bàn tay. Thế nhưng hạnh phúc ngày con khỏe mạnh, con cười đã khỏi bệnh thì hai tay không đủ cầm” (Nước mắt chảy xuôi).
Từ khi có con, giấc ngủ của ba mẹ ngắn lại, những nỗi lo lắng thì mãi dài ra. Nhưng đi cùng với đó là những niềm vui gom góp từng ngày mà chỉ những ai đã làm ba mẹ mới có đặc quyền sở hữu. Ví như sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà với con, lúc ấy ta mới khám phá ra rằng thật ra chơi với trẻ con là một “nghệ thuật thư giãn”.
Ở đó, “cõi riêng tư nhẹ nhõm không vướng víu bận rộn. Bước qua một thế giới khác. Thế giới của cuộc trò chuyện từ lòng mình thốt ra, yêu thương chất ngất. Một khi dành hết thời gian chơi với con, đó là lúc đạt đến sự mở lòng vô bờ bến, không có một nghệ thuật thư giãn nào sánh bằng” (Đối thoại cùng trẻ sơ sinh).
Mới đây, tôi xem được một tác phẩm nghệ thuật là bộ tượng cha mẹ với những lỗ hổng trên mình nắm tay đứa trẻ được bồi đắp thân thể nguyên lành bởi những mảnh vá từ ba mẹ nó. Tác phẩm sắp đặt nhắc người ta nhớ rằng trong quá trình cùng con lớn lên, ba mẹ đã phải chịu những tổn thương âm ỉ. Nhưng dù gì, tim họ vẫn vẹn nguyên tình thương cho con.
Với Lê Minh Quốc cũng vậy. Đọc tập tùy bút mới vỡ lẽ ra những khó khăn, những nỗi lo sợ mà anh và vợ mình đã khốn khổ nếm trải khi hoài thai đứa bé. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà anh yêu thương con một cách dịu dàng nhất có thể.
“Cha sẽ thật là một người cha. Con cười cha sẽ cười, con khóc cha sẽ khóc. Và nếu cha có muốn rầy con thì cha sẽ mím chặt môi, và lặp đi lặp lại, như trong kinh: Con chỉ là một đứa nhỏ… một đứa nhỏ…” (Xa là nhớ, gặp nhau là cười).
Tập tùy bút cũng là lòng biết ơn những yêu thương từ người tốt xung quanh, những người đã chìa bàn tay dìu hai vợ chồng anh qua giai đoạn rối bời đối mặt rủi ro khi chuẩn bị đón cô con gái nhỏ chào đời.
Sách do Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành năm 2022.