Máy chiếu cũ, trang thiết bị xuống cấp, hư hỏng… đang là thực tế hiện nay của Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam. Tuy nhiên, việc thay thế mới các thiết bị này vẫn chỉ là niềm ao ước...
Để vào các thôn bản, nhiều khi đội chiếu bóng phải gùi cõng máy móc vượt bộ cả ngày đường. |
Vượt khó làm nhiệm vụ
Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam hiện có 9 đội chiếu bóng lưu động gồm Đội chiếu bóng huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức và Đội chiếu bóng liên huyện. Những năm qua, các đội chiếu bóng luôn tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị với hàng chục nghìn buổi chiếu phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh. Chỉ riêng năm 2013, các đội chiếu bóng miền núi đã thực hiện 1.514 buổi chiếu phục vụ gần 420 nghìn lượt người xem, nội dung tập trung vào những đề tài chiến tranh cách mạng, giải phóng quê hương, phim tư liệu về Bác Hồ… Bên cạnh đó, các đội chiếu bóng cũng thực hiện tốt chuyên đề tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới; công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, trẻ em; an toàn giao thông; các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả... Ngoài ra, để thu hút sự hưởng ứng của người dân, một số đội chiếu bóng lưu động đã có những cách làm sáng tạo như giao lưu hát karaoke trước mỗi buổi chiếu; hoặc quay lại cảnh sinh hoạt lao động, sản xuất của người dân trong thôn, đến tối phát lại phục vụ cho đồng bào, góp phần tạo không khí vui tươi háo hức thu hút đông đảo người dân đến xem.
Ông Nguyễn Tấn Sinh - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam cho biết, mặc dù hoạt động trong điều kiện khó khăn, địa bàn rừng núi hiểm trở nhưng hầu hết đội chiếu bóng lưu động vẫn luôn cố gắng khắc phục, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là trong công tác xây dựng thôn bản văn hóa và xây dựng nông thôn mới. Ngoài việc phục vụ đời sống tinh thần người dân các xã vùng sâu vùng xa, việc tổ chức tuyên truyền cổ động vào những dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc như giải phóng quê hương, sinh nhật Bác Hồ… cũng luôn được các đơn vị chú trọng. Với những đóng góp tích cực trên, những năm qua Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Quảng Nam liên tục nhận được bằng khen từ các cấp ngành địa phương trao tặng. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm 20 năm phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa qua, trung tâm đã được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và UBND tỉnh tặng bằng khen, ghi nhận những đóng góp của trung tâm và các đội chiếu bóng lưu động đối với các xã miền sâu, biên giới, hải đảo…
Niềm ước ao
Trong số 9 máy chiếu của các đội chiếu bóng lưu động, đến nay hầu hết đã xuống cấp do đã quá lâu năm. Ngoài ra, với đặc thù địa hình miền núi đường sá đi lại khó khăn nên việc vận chuyển, mang vác cũng là nguyên nhân làm cho các thiết bị này dễ bị hư hỏng. “Theo quy định, một máy chiếu tuổi thọ chỉ từ 3 nghìn đến 4 nghìn giờ, nhưng hầu hết máy của trung tâm thời gian sử dụng đã vượt hơn 5 nghìn giờ. Mặt khác, đây chỉ là những máy bán chuyên dụng nên thường xuyên xảy ra trục trặc trong quá trình chiếu phim. Năm 2013 đã có 3 máy chiếu của các đội phải mang ra Đà Nẵng sửa chữa” - ông Sinh cho biết. Cũng theo ông Sinh, máy chiếu phim chuyên dụng được nhiều trung tâm phát hành phim trên cả nước sử dụng hiện nay là dòng HD vì có hình ảnh rõ nét, khẩu độ rộng có thể chiếu đến 400 inch, đặc biệt tuổi thọ cao (từ 5.000 - 6.000 giờ) và gọn nhẹ phù hợp với di chuyển ở địa hình miền núi. “Chúng tôi đã làm tờ trình gửi lên Sở VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí mua 9 bộ máy chiếu phim thế hệ mới HD.300 inch cho 8 đội chiếu bóng miền núi và đội chiếu bóng liên huyện nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - ông Sinh nói. Với giá mỗi máy chiếu hiện nay trên thị trường khoảng 70 triệu đồng, nếu được phê duyệt tổng số tiền mua máy sẽ là 630 triệu đồng. Tuy nhiên ông Sinh cho biết, ngân sách tỉnh chỉ cần cấp 70% kinh phí là được, số tiền còn lại trung tâm sẽ trích từ nguồn tiết kiệm của đơn vị cũng như huy động các nguồn hợp pháp khác.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, việc thay thế máy chiếu là yêu cầu cấp bách hiện nay, nhất là năm 2015 sắp cận kề với nhiều sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước. “Tôi nghĩ việc trang bị máy chiếu mới là rất cần thiết. Tại các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắc… hầu hết đều đã được trang bị máy chiếu đời HD thay thế rồi” - ông Hài nói.
Việc phát triển chiếu bóng phục vụ người dân nhằm tăng cường mức hưởng thụ văn hóa, đưa thông tin, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ sở là việc làm thiết thực, nhất là với địa bàn miền núi Quảng Nam nơi có đông đồng bào dân tộc sinh sống với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Và, hiệu quả sẽ tốt hơn khi các đội chiếu phim lưu động được trang bị phương tiện, thiết bị chuyên dụng hiện đại để nâng cao chất lượng buổi chiếu phục vụ người dân, hướng đến thay đổi nhận thức, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ vững an ninh chính trị và chủ quyền biên giới.
VĨNH LỘC