Mùa đông, khói trời càng gợi nhớ mùi khói từ chái bếp nhà của mẹ. Nhớ ngày mẹ lụm cụm vun từng đống lá vàng bên góc vườn rồi châm lửa. Nhớ từng tia khói ngoằn ngoèo quanh quẩn không chịu rời xa mấy cội cây. Nhớ chái bếp mỗi chiều bồng bềnh mây trắng...
Chiều nay lòng con như sợi khói, quẩn quanh tìm dáng mẹ ngày nào. Đường đời diệu vợi, mỗi bước chân lại một bước rời xa ngày thơ ấu, ngày hạnh phúc, ngày cuộc đời chưa sứt mẻ, ngày mẹ, ngày cha…
Nhớ lời ca mẹ buồn như sợi khói: “Ngồi buồn đốt một đống rơm/ Khói lên nghi ngút chẳng thơm chút nào/ Khói lên đến tận thiên trào/ Ngọc Hoàng phán hỏi: “Thằng nào đốt rơm?”. Ngày xưa mẹ đọc, giọng móm mém, rồi nụ cười cũng móm mém như tuổi già mẹ ấy. Bài ca vui mà mẹ cười buồn lạ.
Tôi ngây thơ hỏi mẹ: “Ngọc Hoàng sao xược thế, sao lại xưng hô thằng - con mà chẳng chút lễ nghi?”. Mẹ cười xoa đầu tôi, mà câu trả lời như chẳng chịu trả lời cho con trẻ: “Mũ cao áo dài nhọc lắm, thằng - con bỗ bã thế mà vui”.
Bài ca như đùa mà nỗi buồn thật động địa kinh thiên. Tôi sau này lớn lên, đã thấu được nỗi niềm trong nụ cười của mẹ. Mẹ đã hỏa thiêu những nỗi buồn, những tục làng lệ xã, những phiền muộn đời thường thành nhẹ tênh như làn khói mỏng, thành mất dấu trần gian. Đức Chúa Trời của Abraham đã hỏa thiêu Sodome và Gomorrhe, lửa đã hỏa thiêu tội lỗi, ứng xử của Đấng Thánh. Hạng vương đã hỏa thiêu cung A Phòng, lửa đã xóa đi những trụy lạc, ứng xử của bậc quân vương.
Người ta khó có thể trở thành thánh nhân. Và trong trăm triệu người cũng thường chỉ có một quân vương. Tôi đành học theo những người nông dân cách hỏa thiêu những nỗi buồn.
Mẹ ạ, ngày cha đi nhà mình buồn lắm. Nước mắt cứ ngậm ngùi cả trên mắt trên mi những người hàng xóm. Nước mắt lụt lội cả bầy con nheo nhóc. Nước mắt trong vườn cà, nước mắt trên nương rẫy, nước mắt giữa đồng hoang hoải… Mà đôi mắt mẹ vẫn tĩnh lạ thường. Con đâu hay với mẹ nước mắt cần chảy vào tim. Mẹ giấu đi những dòng yếu đuối để vững vàng làm chỗ tựa cho những đứa con. Để chị yên tâm đi lấy chồng. Để anh còn vô tư nghịch ngợm. Để con được quyền mít ướt. Để em con còn ngây ngô chơi trò bắn bi.
Mẹ đã truyền cho các con bản lĩnh từ một nỗi buồn.
Bản lĩnh không có nghĩa là không có những nỗi buồn, mà là biết chấp nhận và tiêu hóa những phiền muộn. Bản lĩnh là biết sống và sắp xếp cuộc sống một cách có trật tự… Và biết mỉm cười. Tôi nghĩ đó là trang bị cho tâm hồn mình những yêu thương, nhu mì, nhịn nhục, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ. Và mỗi ngày tự chọn cho mình một niềm vui. Tôi thích một câu ngạn ngữ phương Tây: “Hãy mỉm cười, mọi người sẽ mỉm cười với bạn, còn nếu than khóc, bạn sẽ phải than khóc một mình”.
Rồi mẹ cũng theo cha. Đôi mắt già nhìn con níu với! Gương mặt già đến điểm dừng vĩnh viễn đã thơ trẻ lại. Đã thanh thản một đời trong đắng đót, đã hân hoan trong khốn khó, đã nén cái buồn để lượm lặt những nét vui. Con không khóc. Khi mẹ hết già nua thì con phải biết trưởng thành. Một tiếp nối truyền thống không khác được. Mà làm sao vững vàng được như mẹ ngày xưa khi con nhìn về những đứa con, khi đường đời cứ mịt mờ…
Ngày xưa của mẹ… Ngày ấy ai đó ví đời sống như một công trường còn nhiều dở dang lệch vẹo. Mà gia tài của mẹ có gì: bờ tre thì gai, đường quê thì vắng, chiều quê thì buồn. Và trong dằng dặc nỗi niềm ấy, mẹ đã biết mỉm cười, dù nụ cười hãy còn móm mém. Tôi hy vọng những người con của mẹ sẽ biết lọc trong gia tài mẹ để lại ấy một tinh thần lạc quan. Và sắp xếp cuộc sống mình, để nụ cười của mình trọn vẹn hơn.
Và mong rằng nụ cười của mọi người cũng trọn vẹn hơn.