(QNO) - Hằng năm, đến dịp kỷ niệm ngày lên công trình Phú Ninh lao động (29.4.1977), cựu công nhân Phú Ninh thị xã Tam Kỳ (nay là TP.Tam Kỳ) thuộc Đại đội 1 và Đại đội 2 (C1 và C2) tổ chức họp mặt truyền thống. Họ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm tuổi đôi mươi khi góp sức xây dựng đại công trình thủy nông Phú Ninh, đồng thời chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống...
Hiến dâng tuổi thanh xuân
Hơn 39 năm trước, vào ngày 29.3.1977, công trình đại thủy nông Phú Ninh khởi công xây dựng. Một tháng sau, vào ngày 29.4.1977, 180 thanh niên C2 Tam Kỳ hành quân lên Phú Ninh. Đến ngày 7.5 năm ấy, hơn 100 thanh niên đơn vị C1 của Tam Kỳ cũng có mặt trên công trường. Cùng với 10.000 dân công mỗi ngày xây dựng hồ Phú Ninh, các thanh niên tuổi 18 - 20 của Tam Kỳ vượt qua khó khăn, hăng say lao động.
Hai kiện tướng Nguyễn Tấn Nhơn (trái) và Phạm Diễm thuộc đơn vị C2 Tam Kỳ gặp lại nhau. Ảnh: L.N |
Ông Trần Muôn - nguyên Đại đội phó phụ trách đời sống C2 nhớ lại: “Hồi đó ở Phú Ninh khó khăn lắm, cơm ăn độn sắn khô. Nhiều người trong đơn vị khi mới lên công trường chưa quen với cuốc, xẻng, khiêng, gánh... nhưng làm riết rồi quen, các lao động ở Tam Kỳ cũng không thua các B khác”. Ông Phạm Diễm (ở khối phố 7, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ), công nhân C2 Tam Kỳ thời điểm ấy dù người thấp đậm, nhưng có sức khỏe và ý chí nên đã được phong kiện tướng sau một năm xung kích lên Phú Ninh. “Anh em chúng tôi lên Phú Ninh đã xác định dù khó khăn đến mấy cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ xây dựng quê hương. Khi được anh em trong đơn vị chọn đi thi thì tôi xác định mình phải nỗ lực rất nhiều, phải đào, xúc, gánh, đắp đất nhanh để kịp tiến độ công việc, và tôi đã làm tròn nhiệm vụ” - ông Phạm Diễm nói.
Tham gia xây dựng công trình Phú Ninh có không ít nữ thanh niên các phường nội thị trên địa bàn Tam Kỳ thời điểm 39 năm về trước. Không kể nam hay nữ, các ca chia nhau đốt lốp ô tô, lốp xe đạp làm việc cả ban đêm. Lao động vất vả nhưng chị em các đội nữ cũng về ở những lán trại bằng tranh tre, thiếu thốn đủ thứ, nhất là nước sinh hoạt phải đi xách từng xô... Bà Nguyễn Thị Liên (khối phố 1, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) tâm sự: “Dù khó khăn nhưng anh chị em vẫn thương yêu đùm bọc, chia sẻ cùng nhau như anh em một nhà. So với anh chị em trong đơn vị thì tôi nhỏ tuổi hơn nên được các các cô chú, anh chị quan tâm nhiều hơn”.
Trên công trình đại thủy nông Phú Ninh hôm nay. Ảnh: L.N |
Ông Nguyễn Nguyên Nguyễn - nguyên Đại đội phó phụ trách kỹ thuật C2, hiện là Trưởng ban liên lạc Cựu công nhân Phú Ninh TX.Tam Kỳ tiếp tục câu chuyện: “Lên công trường Phú Ninh thời điểm ban đầu, thanh niên Tam Kỳ khi ấy có 2 tư tưởng, tức là có người tự nguyện xung phong, có người cảm thấy bị bắt buộc lao động, vì dân thị xã thì chưa biết cuốc đất, đục đá, gánh đất trên vai như thanh niên các vùng nông thôn ở Quảng Nam - Đà Nẵng. Nhưng với tinh thần “khi ta đến, những con kênh đang đào đắp; khi ra đi, nước phải chảy về đồng”, công nhân các đơn vị của Tam Kỳ đã làm tốt nhiệm vụ trong thời gian tham gia xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh”.
Còn đó những nỗi niềm…
Ông Nguyễn Nguyên Nguyễn cho biết, 20 năm chia tay công trình hồ Phú Ninh, đến năm 2000 các cựu công nhân C1 và C2 Tam Kỳ mới tổ chức gặp mặt lần đầu. Anh chị em khi ấy rất cảm động, nhiều người ôm nhau khóc. Do tuổi cao sức yếu, bệnh tật và hoàn cảnh riêng, cuộc họp mặt của cựu công nhân Phú Ninh thị xã Tam Kỳ cứ thưa vắng dần. Một thế hệ thanh niên xung kích lên Phú Ninh đắp đập, khai kênh mương, ăn cơm độn sắn, nhai gạo bo bo trong thời điểm quê hương đất nước còn lắm khó khăn sau chiến tranh vẫn không nản chí. Nhưng, thế hệ tuổi đôi mươi khi ấy giờ đã trên dưới 60 tuổi, tóc bạc da mồi, có người chân yếu, mắt mờ, bệnh tật khó khăn.
Cựu công nhân Phú Ninh thị xã Tam Kỳ trong buổi gặp mặt. Ảnh: L.N |
Bà Lê Thị Thanh Phương (khối phố Hương Sơn, phường Hòa Hương, Tam Kỳ) lên công trình Phú Ninh năm 16 tuổi. Mấy năm nay phải “sống chung” với bệnh thận, mỗi tuần lọc máu 3 lần, nhờ bảo hiểm y tế hộ nghèo nên đỡ một phần chi phí. Dù sức yếu nhưng trong buổi gặp mặt năm nay (tổ chức tối 27.4), bà vẫn hát ca khúc “Tự nguyện” với tất cả niềm tự hào của một cựu công nhân Phú Ninh.
Hoàn cảnh bà Võ Thị Kiệu (SN 1959, thường trú tại khối phố Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, Tam Kỳ) khiến nhiều cựu công nhân Phú Ninh đơn vị Tam Kỳ rơi nước mắt. Là hộ nghèo, từ nhiều năm nay, bà Kiệu phải đi làm thuê kiếm sống để nuôi hai em bị bệnh tâm thần. Thế nhưng, tai họa ập đến vào tối 5.4 vừa qua, trên đường đi làm về bà Kiệu bị tai nạn giao thông gãy xương sống và đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam với chi phí điều trị ban đầu trên 50 triệu đồng, không biết vay mượn ở đâu. Trong buổi gặp mặt, các cựu công nhân Phú Ninh ở Tam Kỳ đã góp gần 2,5 triệu đồng để chia sẻ cùng bà Kiệu.
Bà Nguyễn Thị Liên - cựu công nhân Phú Ninh đơn vị C2 Tam Kỳ không khỏi bùi ngùi: “Một năm được gặp mặt anh chị em một lần như thế cũng vui rồi. Mong cho anh chị em có sức khỏe để các năm tới còn được gặp và trò chuyện cùng nhau”.
Có một nỗi niềm khác, ít người nói ra nhưng các cựu công nhân Phú Ninh ai cũng cùng tâm tư. Đó là họ không có bất cứ chế độ chính sách gì kể từ khi hoàn thành nhiệm vụ trên công trình Phú Ninh đến nay. Ông Nguyễn Nguyên Nguyễn cho biết, 4 năm trước có thông tin để anh em cựu công nhân Phú Ninh kê khai nhận hỗ trợ. Nhưng từ lúc kê khai đến giờ chẳng thấy ai nhắc lại. Nhiều anh chị em cựu công nhân Phú Ninh của TX.Tam Kỳ trước đây có hỏi nhưng Ban liên lạc cũng không biết hỏi ai. “Anh em trong Ban liên lạc có bàn với nhau, sau buổi gặp mặt năm nay sẽ có kế hoạch xin tỉnh và địa phương hỗ trợ gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm ngày công nhân Tam Kỳ lên xây dựng hồ Phú Ninh, dự kiến tổ chức cuối tháng 4.2017. Cũng không mong hỗ trợ gì nhiều, chỉ mong các cựu công nhân có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế để anh chị em rủi có ốm đau, bệnh tật đỡ bớt chi phí...” - ông Nguyễn cho biết.
LÊ PHƯỚC LAN NHI