Được đánh giá có nhiều lợi thế, song bao năm qua du lịch Đại Lộc vẫn còn ở dạng tiềm năng, dù chính quyền nơi đây luôn tích cực trong việc quảng bá, xúc tiến mời gọi đầu tư.
Nhiều tiềm năng
Đại Lộc có vị trí đặc thù với địa hình vừa đồng bằng vừa trung du miền núi, nơi có 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia uốn lượn ôm ấp tạo nên những bãi bờ với cảnh đẹp nên thơ cùng nhiều thác ghềnh hiểm trở hoang sơ. Những cái tên như Khe Lim, Bằng Am, Suối Mơ, Suối Thơ, Vũng Thùng, Khe Tân… qua thời gian vẫn gợi trong lòng lữ khách niềm khát khao khám phá. Đến Đại Lộc vào mùa xuân du khách sẽ được sống trong không khí của những lễ hội mang đậm nét tín ngưỡng dân gian, cùng những ước vọng về một thời sơ khai mở đất của tiền nhân, dù qua bao thăng trầm vẫn vẹn nguyên giá trị văn hóa tâm linh như lễ hội Bà Phường Chồ (Đại Cường), lễ hội Bà Chúa Ngọc (Đại Đồng và Đại Quang), lễ vía Ngũ hành Tiên nương… Đại Lộc còn có hàng chục di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như miếu Thừa Bình, đình Không Chái, chùa Cổ Lâm, cồn Văn Thánh, miếu Ngũ Hành, đài nghiêng Tháp búp, địa đạo Phú An - Phú Xuân…
Dự án xây dựng khu du lịch cao cấp trên đỉnh núi Bằng Am đã qua 4 năm nhưng vẫn dậm chận tại chỗ.Ảnh: V.LỘC |
Con đường ĐT 609 kết nối Hội An, con đường 14B hướng về Đà Nẵng đã rộng mở và bên kia sông Mỹ Sơn chỉ cách một chuyến đò ngang, những thuận lợi dường như đều hội tụ về mảnh đất này. Năm 2009 đề án Phát triển du lịch của huyện Đại Lộc ra đời với mục tiêu đến năm 2015 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, biến những điểm đến thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao. Thực tế, các điểm tham quan như Suối Mơ (Đại Đồng), hồ Trà Cân (Đại Hiệp), hồ Khe Tân (Đại Chánh và Đại Thạnh), Khe Lim (Đại Hồng)… cũng đã đón nhiều doanh nghiệp đến khảo sát đầu tư. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến khu du lịch Bằng Am (xã Đại Hồng), nằm ở độ cao gần 800m so với mực nước biển, diện tích quy hoạch hơn 380ha do Công ty CP Quảng Cường đầu tư (vốn đăng ký lên đến 1.250 tỷ đồng) với tham vọng biến nơi đây trở thành khu nghỉ dưỡng cao cấp tầm cỡ có sân gôn, cáp treo, dù lượn, khách sạn, nhà vườn, biệt thự, hồ bơi, thể thao, công viên, khu văn hóa tâm linh… Tuy nhiên, qua nhiều lần điều chỉnh, thỏa thuận, đến nay tất cả vẫn dậm chận tại chỗ; những dự án đầu tư khác, kẻ thì chán nản bỏ đi, người không bao giờ trở lại, chỉ có ước mơ “du lịch Đại Lộc cất cánh” vẫn chưa nguôi ngoai.
Mong chờ dự án
Theo thống kê của Phòng VH-TT huyện, mỗi năm du lịch Đại Lộc đón hơn 20 nghìn lượt khách, chủ yếu là khách nội địa và khách lẻ quốc tế, còn khách đoàn rất ít. Khách thường đến các điểm quen thuộc như Suối Mơ, Khe Lim, hồ Trà Cân, suối nước nóng Thái Sơn… do nằm gần đường. Theo ông Nguyễn Công Hiền - Trưởng phòng VH-TT huyện Đại Lộc, các điểm còn lại dù độc đáo và có nhiều tiềm năng nhưng không thể thu hút khách hoặc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vì cơ sở hạ tầng thiếu thốn lạc hậu. Thậm chí, có nhiều điểm nhà đầu tư cũng đã đến thăm dò nhưng không hồi âm quay lại hoặc đầu tư cầm chừng kiểu “chiếm đất, xí phần”. Bên cạnh đó, các thủ tục thu hút đầu tư, bàn giao mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn còn nhiều lấn cấn do vướng mắc từ nhiều phía khiến doanh nghiệp chán nản, trong đó dự án Bằng Am là một ví dụ, dù đã qua 4 năm nhưng vẫn dậm chân tại chỗ. Ông Hiền cho rằng, để thúc đẩy du lịch Đại Lộc phát triển ngoài việc bố trí nguồn kinh phí xúc tiến hàng năm, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh như định kỳ tổ chức hội nghị thu hút đầu tư du lịch, giúp địa phương kêu gọi những doanh nghiệp có năng lực tài chính đầu tư ổn định lâu dài... mới hy vọng có chuyển biến trong thời gian đến.
Theo ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Quảng Nam (Sở VH-TT&DL), địa phương phải xây dựng quy hoạch tổng thể từng điểm cụ thể, trong đó gồm những hạng mục gì, vốn đầu tư bao nhiêu để doanh nghiệp có muốn đầu tư cũng dễ tiếp cận tìm hiểu chứ không thể giới thiệu chung chung như hiện nay. Quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế giúp người dân giảm nghèo là hướng đi đúng, phù hợp của Đại Lộc cũng như nhiều nơi khác trong tỉnh. Tuy nhiên, giữa định hướng và thực tế luôn là một khoảng cách xa nếu như bản thân địa phương không có những cải thiện về cơ sở hạ tầng điểm đến và một môi trường đầu tư thông thoáng sẽ khó thu hút doanh nghiệp vào cuộc, khi đó câu chuyện đến rồi đi của doanh nghiệp sẽ vẫn còn diễn ra và du lịch Đại Lộc cũng chỉ mãi ở dạng tiềm năng như hàng bao năm nay vẫn vậy.
VĨNH LỘC