Nỗi niềm không biên giới

LÊ BẢO NGỌC 22/10/2023 06:39

Chuyến bay nửa đêm đưa tôi đến thành phố cách Việt Nam 2 múi giờ nằm phía tây Hàn Quốc. Điểm đặc biệt của Jeonju là sự hòa quyện giữa mới và cũ, nhà cửa dựa vào núi và rừng cây, những tòa cao tầng bao quanh ngôi làng cổ có từ thời Joseon. Nơi đây, không khí rất khác, ẩm thực rất khác, cuộc sống và ngôn ngữ rất khác, so với Việt Nam của tôi. Nhưng, thứ tạo nên mối quan hệ giữa người và người, thì nơi nào cũng vậy. Tôi gọi nó là “những nỗi niềm không biên giới”.

Tác giả trong một ca trực ở PMC hospital. Ảnh: B.N
Tác giả trong một ca trực ở PMC hospital. Ảnh: B.N

Bệnh viện bắt đầu công việc lúc 7h30 sáng. Sau vài ngày đầu bỡ ngỡ, tôi rồi cũng hòa vào vòng xoáy của khoa phòng, như những điều tôi đã quá quen thuộc, là sáng bệnh phòng, là nội soi xuyên trưa, là những cuộc gọi cấp cứu buổi tối.

Một bệnh nhân ung thư mật giai đoạn muộn, cũng có nét mặt buồn khổ giống những bệnh nhân của tôi ở Việt Nam. Khi gặp người nhà bệnh nhân, tôi cũng bắt gặp ánh mắt lo lắng, hy vọng, tin tưởng, thấp thỏm. Và người bác sĩ hướng dẫn của tôi, giải thích với tôi rằng anh ấy sẽ cố gắng làm lại lần thứ ba, để những ngày cuối bệnh nhân không quá đau đớn và vất vả.

Cũng là ánh mắt và ý chí kiên định không bỏ cuộc mà tôi theo học ở thầy, ở anh những ngày nội trú. Là niềm vui nhẹ nhõm mỗi khi chúng tôi thành công trong một thủ thuật nội soi khó, là cái nhăn mày khi gặp một trường hợp phức tạp. Nỗi đau, nơi nào cũng giống nhau. Niềm hy vọng và sự cố gắng cũng thế.

 Tôi may mắn trong khoảng thời gian này được đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người, gặp được nhiều anh chị đồng nghiệp. Những nữ bác sĩ tôi quen đều rất mạnh mẽ, nhanh nhẹn và cá tính. Một trong số họ vẫn còn độc thân. Tôi nghe chia sẻ rằng bác sĩ nữ ở đây khi lập gia đình rất khó để cân bằng giữa áp lực công việc và chăm sóc con cái. Một số có thể từ bỏ và chọn ở nhà nội trợ.

Bạn thân tôi - người có cậu nhóc gần 2 tuổi kháu khỉnh than thở rằng con nhỏ ở với ông bà nhiều hơn với mẹ, vài tối trong tuần còn không được ngủ với con vì trực ở bệnh viện, lắm lúc chỉ muốn ở nhà ôm con không muốn đi làm nữa.

Chúng ta nói quá nhiều về nữ quyền và giải phóng phụ nữ, nhưng ở đâu cũng vậy, “người xây tổ ấm” vẫn luôn là một niềm hạnh phúc. Bên cạnh nỗi lo trách nhiệm là rất nhiều sự đánh đổi và hy sinh.

Sau mỗi giờ ở viện, buổi tối, bọn tôi thường tới văn phòng của thầy để... học nhạc. Thầy là giáo sư đại học về hưu, hiện vẫn làm can thiệp hình ảnh ở viện. Văn phòng nhỏ của thầy luôn ấm áp và lộn xộn, nó có mùi của bụi và những chuyến đi xa.

Trên tường đầy ảnh và tranh vẽ, từ Mông Cổ, Myanmar hay những nước châu Phi xa xôi. Thầy dành năm tháng của mình để đi đến nhiều nơi, để trợ giúp y tế, để dạy nhạc, để lan tỏa tinh thần bác sĩ không biên giới. Bức ảnh nào cũng có những nụ cười, của em bé, cụ già, của cô gái trẻ, từ những dân tộc khác, miền đất khác, chỉ là, nó có chung niềm vui, sự tin tưởng và lòng biết ơn.

Jeonju đang chuyển mùa. Mùa đông nơi đây lạnh hơn ở nhà, rồi sẽ là gió tuyết. Châu Phi hiện giờ nắng cháy da, còn Mông Cổ thì ngập tuyết trắng. Miền Trung quê tôi thì đang mưa lũ. Mỗi giờ, mỗi ngày, trái đất xoay và nhiều thứ thay đổi. Nhưng chỉ cần có tình người và lòng trắc ẩn, nơi nào cũng đều ấm áp. Yêu thương không biên giới, chỉ đơn giản là vậy thôi!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi niềm không biên giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO