Lần đầu tiên, phụ nữ trong hệ thống công đoàn được ngồi lại với nhau để nói về câu chuyện bình đẳng giới (BĐG) tại nơi làm việc. Các chị có dịp để thổ lộ tâm tư, nguyện vọng, và càng nói càng “lộ” ra những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại khó đổi thay.
Chia sẻ nỗi niềm tại diễn đàn bình đẳng giới. Ảnh: DIỄM LỆ |
“Đổi” nhưng chưa thể “thay”
Mở đầu câu chuyện về BĐG tại nơi làm việc, bà Nguyễn Thị Loan - Trưởng Ban nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh thông tin: “Trong những năm qua, nữ giới tham gia hầu hết lĩnh vực lao động, sản xuất, công tác và ngày càng phát huy vai trò, khẳng định vị trí của mình. Tổng số nữ cán bộ, công nhân, lao động trên địa bàn tỉnh có 65.384/109.218 người, chiếm tỷ lệ đến 59%, trong đó nữ có trình độ đại học, trên đại học chiếm hơn 25%. Tuy vậy, sự khác biệt về giới lại khiến phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi ở mọi lĩnh vực, nhất là trong công tác đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý”. Bà Loan cho rằng, trong xã hội đã có nhiều tiến bộ nhưng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía, trong đó sự quan tâm chưa đúng mức của các cấp ủy đảng, chính quyền, về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và đề bạt cán bộ nữ. Những điều đó khiến vai trò, vị trí của nữ giới dù có “đổi” nhưng chưa thể “thay”.
Bà Trần Thị Lại - Thường trực Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh chia sẻ: “Hiện nay, tỷ lệ nữ giới tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp, kể cả ở cấp trung ương đến địa phương, dặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Thực trạng này cần có những giải pháp sát sườn. Có những công việc chỉ nam giới mới đảm nhận được nên chị em không thể tham gia, nhưng không ít việc chị em tham gia và làm rất tốt cần được phát huy. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh đã tham mưu, tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến công tác tham chính của nữ giới, nhưng hiện nay tỷ lệ vẫn còn thấp. Vì vậy, ngoài việc nâng cao năng lực bản thân ở mỗi chị em, sự quan tâm của các cấp ủy đảng và chính quyền là điều vô cùng quan trọng”.
Nữ công nhân lao động trong lĩnh vực kinh tế hiện nay chiếm tỷ lệ rất cao, nhất là ở khu vực sản xuất tại các khu công nghiệp của tỉnh. Bà Mai Thị Phú Mỹ - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh cho hay: “Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh có 43 công đoàn cơ sở trực thuộc, với hơn 36.000 công nhân lao động, trong đó nữ chiếm hơn 70%, chủ yếu ở ngành may mặc. Có một số lĩnh vực nữ xin vào làm việc chủ doanh nghiệp không nhận, vì sợ sinh đẻ. Phụ nữ gánh trên vai hàng tá những việc không tên, vì thế mà chỉ khi BĐG trong gia đình được giải quyết thì mới có thể an tâm ở nơi làm việc”. Qua thực tế kiểm tra của các ngành, thời giờ làm việc của nữ cao, từ 12 - 16 tiếng đồng hồ/ngày vừa làm việc ở phân xưởng rồi về làm việc ở nhà. Chủ doanh nghiệp không có sự quan tâm, không tham gia các chế độ bảo hiểm, nữ nghỉ thai sản, ốm đau không được chốt sổ và không được giải quyết chế độ. Điều kiện làm việc dành cho lao động nữ còn quá hạn chế, kể cả lao động nữ có thai, với môi trường lao động áp lực, nóng bức, ồn ào. Nhà vệ sinh, nhà tắm dành riêng cho lao động nữ chưa được quan tâm đúng mức… Do đó, BĐG rất cần tuyên truyền cho nam giới, chủ sử dụng lao động; bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tăng cường chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho lao động nữ.
Cần thời gian dài
Bắt đầu câu chuyện BĐG của ngành y tế, bà Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Công đoàn Y tế tỉnh dẫn lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bình đẳng nam nữ thực sự là cuộc cách mạng khó khăn và lâu dài vì sự khinh miệt đối với phụ nữ đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay”. Muốn BĐG thực sự, cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ “chúng ta nói cho chúng ta nghe” thì chẳng thay đổi được gì. Trở về với ngành y tế tỉnh, bà Ánh cho biết, toàn ngành hiện có 4.397 nữ/6.058 cán bộ, y - bác sĩ, chiếm đến 72,5%. Dù đã nhận được sự quan tâm, cơ cấu, quy hoạch nhưng tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý chỉ có 11 người trong tổng số 96 cán bộ quản lý của ngành, chiếm 11,4%, một con số quá thấp. Bà Ánh kiến nghị, ngay cả lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cũng cần được nâng cao nhận thức về BĐG để họ nhìn nhận lại vai trò của nữ giới, từ đó tăng dần sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý ở mọi lĩnh vực.
Ở ngành giáo dục, chỉ có 24 nữ là hiệu trưởng, hiệu phó, phó trưởng phòng, mặc dù lực lượng giáo viên nữ áp đảo so với nam giới. Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh phân tích: “Tỉnh đã ra văn bản khống chế trên 40 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam không được đi học sau đại học nữa là không công bằng, thể hiện bất BĐG. Văn bản này cần được sửa đổi, bởi nhiều người nữ dưới 40 tuổi còn gia đình, sinh con bởi đó là thiên chức, rồi sau độ tuổi này họ mới có đủ điều kiện và cơ hội học tập nâng cao trình độ. Riêng ngành giáo dục vẫn cho phép chị em có nhu cầu đi học, nếu không được chính sách nhà nước hỗ trợ thì chị em tự bỏ tiền túi ra đi học. Các cấp lãnh đạo cần có sự quan tâm nhiều hơn nữa dành cho cán bộ nữ ngay bây giờ và cả về sau”.
Bà Võ Thị Lan - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Điện Bàn nêu lên một thực tế: “Điện Bàn đến nay chỉ có 7 phụ nữ là trưởng, phó các hội, đoàn thể, phòng và 3 người là lãnh đạo các doanh nghiệp, một con số quá thấp. Một số thủ trưởng, lãnh đạo cơ quan ít quan tâm đến cán bộ nữ. Khi cơ cấu vào ban chấp hành đảng ủy các cấp, bầu HĐND, thường đưa chị em nữ đi kèm lãnh đạo nam nên khó có thể trúng cử. Cần xem lại cách cơ cấu như thế có đúng không, hay chính là thể hiện của sự bất BĐG”. Bà Tô Thị Thu Thảo - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Quế Sơn tâm sự: “Trong thực tế, nơi nào cũng hô hào thực hiện BĐG, đặt ra tỷ lệ nữ ở vị trí lãnh đạo, quản lý trong từng nhiệm kỳ một cách rất cụ thể. Nhưng đến cuối nhiệm kỳ không đạt được tỷ lệ đó thì cũng chẳng ai bị khiển trách hay kiểm điểm gì cả, không có một chế tài nào cụ thể nên đạt cũng được, không đạt cũng chẳng sao. Cứ mãi như thế thì tỷ lệ cũng chỉ là con số trên giấy, khó thực hiện trong thực tế”.
DIỄM LỆ