Nỗi niềm "phù thủy"

KIỀU LY 07/12/2016 09:04

(QNO) - Phía sau hình ảnh lộng lẫy, xinh đẹp của các cô dâu trong ngày cưới là sự phù phép bởi đôi tay “phù thủy” của những người làm nghề trang điểm. Nghề này thường được cho là nhàn hạ, dễ dàng kiếm ra tiền nhưng cũng ẩn chứa bao mồ hôi và nước mắt…

Làm dâu trăm họ

Mê làm đẹp cho mình và bạn bè từ nhỏ, nhưng mãi sau này, khi chồng mở tiệm chụp ảnh cưới thì chị Nguyễn Trinh (tiệm áo cưới Memory, đường Phan Châu Trinh, TP.Tam Kỳ) mới bén duyên với nghề trang điểm. Đến nay chị đã gắn bó với nghề này hơn 4 năm. Qua chừng ấy thời gian, làm đẹp cho biết bao nhiêu cô dâu trong ngày trọng đại của họ, chị Trinh cũng đã dệt riêng cho mình bức tranh nghề đầy đủ sắc màu vui buồn. Nghề trang điểm cô dâu chẳng khác nào làm dâu trăm họ, chín người thì mười ý, cách suy nghĩ và cảm nhận về cái đẹp của khách hàng rất khác nhau, không phải lúc nào cũng làm hài lòng họ. Nhìn vẻ hào nhoáng và lộng lẫy của những cô dâu, đâu ai biết rằng đằng sau đó là cả cuộc mưu sinh cần mẫn, đầy vất vả của những người theo đuổi nghề này.

Vào mùa cưới (tháng 2, 6, 8, 12 âm lịch), mỗi ngày chị Trinh trang điểm từ 6 đến 8 cô dâu, thậm chí có ngày hơn 10 người, thu nhập cả chục triệu đồng/1 tháng nhưng cũng có lúc không có khách, thu nhập chỉ còn 2 – 3 triệu. Những lúc đông khách như vậy, phải làm từ sáng sớm đến 9, 10 giờ tối, nhịn ăn hoặc thức 1, 2 giờ sáng là chuyện bình thường. “Có những lần trang điểm ngoại tỉnh phải ở lại đêm, hoặc “ôm sô” di chuyển 3 - 4 địa điểm cách xa nhau hàng chục cây số, người mệt lả đi, nhưng khi nhìn thấy cô dâu xinh tươi, khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc thì tôi cảm thấy vui và yêu nghề hơn”, chị Trinh chia sẻ.

10 năm gắn bó với nghề trang điểm, chị Sao Mai (đứng, áo trắng) nếm trải đủ niềm vui nỗi buồn của nghề. Ảnh: K.L
10 năm gắn bó với nghề trang điểm, chị Sao Mai (đứng, áo trắng) nếm trải đủ niềm vui nỗi buồn của nghề. Ảnh: K.L

Những người trong nghề trang điểm lâu năm đều khẳng định, yếu tố cần nhất của nghề này là cần sự khéo tay, tỉ mẩn, biết quan sát và và có chút năng khiếu thẩm mỹ. Trang điểm không phải chỉ đơn giản là đánh phấn, tô son, làm tóc… là được. Không “hô biến thành công chúa” như nhiều người vẫn nghĩ, việc trang điểm chỉ giúp che khuyết điểm, tôn vinh nét đẹp, nhưng cũng đòi hỏi không ít kỳ công. Làm thế nào để làm cô gái bình thường trở nên xinh đẹp và nổi bật trong ngày trọng đại là điều khó khăn nhất. Ngoài ra, vì nhu cầu làm đẹp của khách hàng ngày càng cao và có sự thay đổi theo nhiều xu hướng nên những người làm nghề như chị, muốn không bị tụt hậu và giữ chân được khách hàng thì cần phải học hỏi, cập nhật thường xuyên những cách trang điểm, làm tóc sao cho vừa mới, lạ vừa đẹp mắt. Ngoài việc chiều lòng khách thì còn phải biết cách tư vấn, khéo léo làm sao cho họ hiểu thế nào là đẹp, là phù hợp với tuổi tác, trang phục… “Tôi từng gặp một số người, mặc dù nhiều tuổi rồi nhưng cứ thích trang điểm thế nào cho thật trẻ, thật mốt, một số lại đi cùng người nhà, mỗi người một ý, khen chê lẫn lộn, những lúc ấy, mình chỉ biết ngậm ngùi chấp nhận thôi. Dù sao cũng là cái nghiệp làm dâu trăm họ mà mình trót đeo”, chị Trinh tâm sự.

Niềm vui với nghề

Mặc dù khó khăn, vất vả nhưng những người làm nghề trang điểm cũng nhặt nhạnh cho mình những niềm vui để tiếp tục theo đuổi đam mê, sở thích. Nhờ nghề này mà hiện nay, cuộc sống gia đình chị Nguyễn Trinh có thu nhập ổn định. Hơn thế chị còn có điều kiện giúp đỡ cho người khác. Chị Trinh tâm sự: “Với những người có hoàn cảnh khó khăn tôi có thể giúp họ trang điểm, cho mượn váy cưới mà không tính kinh phí. Những cô dâu không may mắn, bị khuyết tật tôi sẵn sàng đến tận nhà trang điểm và hổ trợ thêm cho họ những thứ cần thiết. Miễn sao, trong ngày vui, họ thật đẹp và hạnh phúc. Đó là niềm vui cũng là động lực để tôi gắn bó lâu dài với cái nghề lắm khó khăn, nhiều vất vả này”.

Nghề trang điểm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà còn phải nhanh chóng nắm bắt những xu hướng mới để làm đẹp cho cô dâu. Ảnh: K.L
Nghề trang điểm không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, mà còn phải nhanh chóng nắm bắt những xu hướng mới để làm đẹp cho cô dâu. Ảnh: K.L

Chị Phạm Thị Sao Mai (chủ tiệm áo cưới Mai Bridal, đường Tôn Đức Thắng, TP.Tam Kỳ) kể lại, vừa học hết cấp 3 thì chị theo nghề, đến nay đã tròn 10 năm. Nhớ lại những ngày đầu tiên, chị Mai không khỏi chạnh lòng. Chị bảo, ban đầu chưa hề biết gì về trang điểm, lại thấy công việc này không quá nổi bật, cứ thầm lặng sau cánh gà nên những người trẻ rất khó lòng ham thích ngay. Nhưng dần dà, khi đã quen với thỏi son, cây cọ, hộp phấn, biết làm cho người khác đẹp lên trong niềm vui, hạnh phúc thì tình yêu và duyên với nghề cũng bắt đầu nhen nhóm. Sau khi tích lũy đủ vốn và có kinh nghiệm, chị đã tự mở cửa hàng của riêng mình và hoạt động cho đến hôm nay. “Những ngày đầu vất vả lắm, trang điểm mỗi cô dâu chỉ được vài chục nghìn đồng, có khi đi cả ngày chỉ đủ trả tiền xe ôm, vì nhà cô dâu ở xa quá, nhưng cũng phải cố gắng đi để vừa rèn nghề, vừa “giữ mối” vì nếu làm tốt, chắc chắn sẽ có thêm nhiều khách hàng” - chị Mai cười chia sẻ. Nhờ khả năng trang điểm nổi trội, thường xuyên cập nhật những xu hướng mới, độ khó cao nên khách hàng lui tới quán đông dần lên. Vào những ngày đắt khách, cửa hàng của chị trang điểm từ 10-15 cô dâu, còn trung bình thì 5-6 người, thu được 500 nghìn đồng/1 lần trang điểm.

Nhìn bề ngoài tươm tất, lúc nào cũng phấn son, quần áo, nhưng chỉ người trong nghề mới thấu hết những nỗi buồn. Khách hàng đặt rồi hủy sô, lỗ vốn là chuyện thường xuyên cơm bữa. Nhưng đã là nghiệp, khó khăn trở thành một chuyện mà ai cũng phải sẵn sàng đối mặt. Thậm chí, có những lần khách hủy sô, bỏ cọc lại trở thành một kỷ niệm đẹp trong đời làm nghề. Chị Mai kể, có lần đôi vợ chồng đặt hàng trang điểm tại tiệm, nhưng cận kề ngày cưới, cô dâu sinh non em bé, phải nhập viện. Ngày cưới, chỉ chú rể đến lấy áo vest và bó hoa cưới để đãi khách một mình. Dù bị hủy sô, nhưng chị vẫn sẵn lòng giảm trừ chi phí cho gia đình. “Sau này vô tình tôi gặp lại đôi vợ chồng ấy cùng đứa con, tự dưng mình thấy vui vui vì quyết định đó. Dù không được trang điểm cho cô dâu ấy trong ngày trọng đại, nhưng thấy nụ cười hạnh phúc của gia đình họ, vẫn thấy có chút gì đó ấm áp” - chị Mai nhớ lại…

KIỀU LY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi niềm "phù thủy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO