Nỗi niềm truyền thanh cơ sở Hội An

ĐỖ HUẤN 18/06/2013 08:16

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ truyền thanh cơ sở tại Hội An luôn nỗ lực để đem thông tin đến với người dân một cách nhanh chóng và chuẩn xác nhất.

HỘI An tự hào là đơn vị đầu tiên của cả nước “xóa trắng” truyền thanh cơ sở từ rất sớm (vào những năm 80 của thế kỷ trước). Từ 10 đơn vị cơ sở đến nay cả 13 xã phường đều có trạm truyền thanh hoạt động ổn định, thường xuyên. Trạm truyền thanh cơ sở đã được phân cấp cho UBND các xã, phường quản lý trực tiếp, duy trì hoạt động với chương trình phát thanh và tiếp âm mỗi ngày 1 - 2 buổi. Ông Đinh Dũng - Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm An cho biết:“Hoạt động truyền thanh ở địa phương chúng tôi có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là công tác tuyên truyền pháp luật trên các lĩnh vực đất đai, phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...”.

Phục vụ tuyên truyền lưu động ban đêm. Ảnh: Đ.H
Phục vụ tuyên truyền lưu động ban đêm. Ảnh: Đ.H

Công tác truyền thanh ở cơ sở hết sức cần thiết, hoạt động truyền thanh vô cùng hữu hiệu. Để có một chương trình phát thanh, phải có tin, bài, thâm nhập thực tế, tiếp xúc nhân vật, sự kiện… Một số anh em được phân công “viết chuyên nghiệp” cho chương trình phát thanh cơ sở không giấu nỗi buồn, than vãn: “Lắm lúc đã đến giờ thu chương trình để phát mà chưa có đủ thông tin, còn nhân vật được hẹn cũng chẳng thấy đâu, không biết vì lý do gì. Thế là tìm mọi cách đề “chữa cháy” cho kịp rồi vội vội vàng vàng “chụp” đủ thứ để “có cái” phát ra loa!”. Chưa kể khi nội dung chương trình được hoàn chỉnh phải có phát thanh viên để đọc, kỹ thuật viên để thu in. Thế nhưng ở Cẩm Kim, “tất cả đều trong một”, tức từ khâu kỹ thuật, phóng viên, phát thanh viên... đều chỉ một mình anh Hùng Anh đảm nhận. “Lãnh đạo thành phố và ngành cần tăng cường hỗ trợ hết sức cụ thể, thiết thực để địa phương duy trì tốt hiệu quả hoạt động truyền thanh cơ sở”, ông Huỳnh Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Kim chia sẻ.

Báo cáo của Đài Truyền thanh-truyền hình Hội An cho biết, hệ thống truyền thanh của thành phố hiện được kết nối thông suốt với gần 300 chiếc loa lắp đặt tại các điểm khác nhau, hầu như đều được “vô tuyến hóa” (truyền thanh không dây) và phát sóng cực ngắn. Minh An là phường nhỏ nhất được bố trí hơn 10 chiếc, nhiều hơn cả là Cẩm Thanh gần 30 chiếc. Tuy các trạm và hệ thống loa đang hoạt động hiệu quả nhưng chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người nghe đài. Số lượng loa được bố trí vốn đã ít và mỏng so với diện tích và số dân nhưng lại chậm được đầu tư sắm mới, 3 - 4 năm nay dường như vẫn “dậm chân tại chỗ”. Theo phản ánh của nhân dân, trong khi mạng lưới loa ở một vài khu vực thuộc các phường trung tâm (Minh An, Sơn Phong, Cẩm Phô) do thiếu quy hoạch nên bố trí chưa phù hợp, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch thì nhiều nơi khác, nhất là vùng ven đô và ngoại ô thành phố, nhân dân cảm thấy “rất thiếu loa để nghe đài”. Vì vậy, cần phân bổ hệ thống loa một cách hợp lý để mọi người dân có thể tiếp nhận thông tin nhanh và hiệu quả nhất.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi niềm truyền thanh cơ sở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO