Có lẽ chưa bao giờ, hoạt động truyền thông lại được thực hiện với quy mô tổng lực, toàn diện như trong công tác phòng chống dịch Covid-19, nhất là kể từ khi Việt Nam phát hiện ca dương tính thứ 17.
Từ các cơ quan truyền thông chủ lực của quốc gia - VTV, VOV, TTXVN; cơ quan báo chí trực thuộc các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương đến các cơ quan báo chí cấp tỉnh, mở đầu của mỗi bản tin, headline của mỗi trang báo lúc nào cũng là thông tin về tình hình dịch Covid-19, kèm theo đó là các khuyến cáo về phòng chống dịch.
Đặc biệt, ngoài trang thông tin điện tử chính thống, các cấp chính quyền còn sử dụng trang mạng xã hội có lượng người dùng lớn để cung cấp thông tin. Việc gửi thông tin qua tin nhắn đến mọi thuê bao điện thoại di động cũng được Bộ Y tế, GD-ĐT và cao hơn là Chính phủ sử dụng triệt để. Chưa bao giờ mối liên hệ giữa các bộ, giữa Chính phủ với người dân trở nên trực tiếp đến thế.
Ở cấp huyện, cấp xã, hệ thống truyền thanh cũng hoạt động hết công suất, tăng thời lượng, tăng số lần phát sóng, và nội dung quan trọng hàng đầu vẫn không gì khác ngoài chuyện phòng chống dịch.
Ở cấp thôn, tổ, khối phố, loa truyền thanh lưu động cũng được huy động, mỗi ngày 2 - 3 lần rảo qua từng đường làng, ngõ phố để phát các nội dung tuyên truyền về phòng chống dịch.
Thậm chí, phương thức truyền thông hết sức "cổ điển" được tái sử dụng là "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để giám sát, thống kê trường hợp có nguy cơ nhiễm dịch, kết hợp cung cấp thông tin y tế và các khuyến cáo về sinh hoạt hằng ngày.
Ngoài đội ngũ nhà báo, tuyên truyền viên, những người chuyên trách công tác thông tin ở cơ sở, tham gia chiến dịch truyền thông tổng lực này còn có cán bộ, viên chức nhiều cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp. Khái niệm "cả hệ thống chính trị vào cuộc" được thực hiện triệt để và sinh động.
Gắn với cung cấp thông tin, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường kiểm soát và cương quyết xử lý hành vi phát tán thông tin sai, thông tin xấu độc. Xử phạt nghiêm khắc để giáo dục và răn đe, trong trường hợp này, cũng chính là một "kênh" truyền thông quan trọng. Từ đây, có thể suy rộng ra, rằng đấu tranh thông tin trong các lĩnh vực khác cũng là yêu cầu cấp thiết và quan trọng.
Gần một tháng qua, nhất là từ khi Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội có hiệu lực, rất nhiều cơ sở dịch vụ đã đóng cửa; các điểm du lịch vắng bóng người; lưu lượng người xe lưu thông trên đường giảm gần như tuyệt đối; số người có yếu tố dịch tễ nguy cơ tự giác khai báo y tế hoặc tự nguyện xin cách ly tăng lên...
Nếu được phân tích thấu đáo sẽ thấy đó không chỉ là kết quả của mệnh lệnh quản trị hành chính mà còn của hiệu quả từ truyền thông tổng lực. Nói cách khác, cùng với các giải pháp về y tế, kinh tế, hành chính, việc áp dụng truyền thông đa kênh thông qua huy động, sử dụng đồng loạt, liên tục nhiều phương tiện, cách thức truyền thông khác nhau vào công tác chống "giặc" Covid-19 đã tạo nên sự đồng thuận xã hội, xác lập ý thức trách nhiệm cho người dân.
Chung quanh cách làm truyền thông phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam, lúc khởi đầu một số cơ quan truyền thông nước ngoài có ý dè bỉu, chê bai. Tuy nhiên, khi nhận thấy công tác phòng chống Covid-19 của Việt Nam đạt được kết quả tích cực đáng kinh ngạc, họ đã phải thay đổi cách nhìn và gián tiếp thừa nhận, "dân chủ" trong truyền thông - ít ra là trong truyền thông phòng chống đại dịch toàn cầu như Covid-19, không có nghĩa là "tôi nói (đúng), anh muốn nghe hay không thì tùy", mà còn phải là "tôi nói (đúng), anh phải nghe và làm theo"... Như người xưa đúc kết, "nói phải củ cải cũng nghe", là vậy.