Trước mấy người từng đi Penang – hòn đảo và một phần đại lục ở phía Tây Bắc của Malaysia mà một thời sách tiếng Việt của mình gọi là Hòn Cau (vì nó giống quả cau trên bản đồ) hay kể chuyện ở đây có một ngã tư là “chiếu ngồi” chung của Đức Phật, Thánh Ala, Chúa Jesus và Thần Ganesha trong Ấn giáo. Tôi luôn nửa tin nửa ngờ bởi trên đời làm gì có chuyện hay ho thú vị đến thế?
Cho đến một ngày, tôi tìm đến Pennang với thủ phủ George Town được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2008. Dưới sự quản lý của công ty Đông Ấn và sự có mặt của các thương lái đến từ Trung Hoa, Ấn Độ, Thái Lan, Miến Điện cùng với các nhà buôn bản địa, George Town một thời từng phát triển, trở thành một vùng thương cảng sầm uất trên trục đường hàng hải Á – Âu, khởi đầu của “con đường gia vị” nối châu Á với thế giới. Vậy nên cư dân ở đây là sự kết hợp của nhiều sắc tộc và tín ngưỡng.
Cảm giác ban đầu là “đúng rứa thiệt” bởi đây có thể nói là duy nhất trên thế giới có “con đường hòa thuận” tập trung bốn địa điểm tâm linh lâu đời: nhà thờ Thánh George, xây từ năm 1818, là nhà thờ kiểu Anh Quốc cổ nhất ở khu vực Đông Nam Á; chùa Quan Âm của Phật giáo, nhìn giống như các chùa người Hoa ở Hội An; đền Sri Mah Marianmman (Ấn giáo) và thánh đường Kapitan Keling (Hồi giáo, có từ thế kỷ 18). Nhìn đâu cũng nghe đẹp mê man.
Với tôi ở một xứ sở xa lạ, trên đời này chẳng còn gì thú vị hơn khi sáng sớm đi ngang nhà thờ nghe đọc Thánh kinh, trưa chút đi ngang cái miếu Quan Âm ngắm người đội mâm đội quả đi cúng, đến chiều đứng ngoài ngõ coi mấy ông Guru người Ấn tạt nước tắm thần Geisha, tối đến mon men đến đền Hồi giáo nghe đọc kinh Coran và lạy thánh Ala...
Nhưng chỉ thế thôi mà bảo là “hòa hợp” hay “ngồi chung chiếu” này nọ kiểu trà dư tửu hậu như mình hình dung thì nghe có phần chủ quan quá. Bởi biết đâu, các vị ấy do “số phận” sắp xếp cạnh nhau nhưng nước sông không phạm nước giếng, không ghét nhau ra mặt không có nghĩa là chung sống hòa bình…
Cho tới một buổi chiều tôi lang thang ở “ngã tư hòa hợp” và chứng kiến ở đó có một cây bồ đề, dưới gốc cây người ta dựng một tượng Phật Bà Quan âm và kế bên là đền thờ thần Ganesha. Một phụ nữ, đoán là người Hoa qua trang phục đang chắp tay khấn nguyện gì đó với Phật Quan âm rất lâu. Khấn xong, bà bước quay sang miếu thần Ganesha và bất ngờ bà cũng chắp tay không những khấn nguyện mà còn sì sụp lạy xin.
Lúc ấy ở đền thần Ganesha, một người đàn ông Ấn mặc sà rông đang chùi rửa tượng thần và dâng lễ bằng hoa. Cạnh ông là nhiều người Ấn khác cũng mặc sà rông đang thành tâm khấn vái. Một lát tôi thấy bà người Hoa lúc nãy đang lẫn vào mấy ông người Ấn ở đền thờ thần, một lúc lại thấy bà người Hoa đi đâu mất, chỉ còn mấy ông Ấn Độ đang quỳ lại bên tượng Phật Quan âm…
Nhưng vẫn chưa bằng bạn tôi. Là một tín đồ Phật giáo “truyền thừa” ở Việt Nam nên đến chắp tay khấn gì đó ở đủ các loại tượng trong chùa Quan Âm thì đã đành. Nhưng ngay cả trong nhà thờ, đền thờ hay thánh đường trong “ngã tư hòa thuận”, đến đâu mụ ấy cũng quỳ lạy, khấn vái gì đó rất thành tâm khiến ai trong đoàn cũng há mồm ngạc nhiên. Thắc mắc thì mụ ấy cười, nói “cầu xin sức khỏe và bình an cho bản thân và người thân, gia đình thôi. Nhưng cứ xin nhiều thế cho chắc và vì nghĩ Thánh, Thần, Phật, Chúa chắc cũng không keo kiệt tới mức đi phân biệt với người nhà hay hàng xóm…”.
Thật tình là tôi bị hoa mắt, chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra ở cái “ngã tư hòa thuận” này. Và mãi sau này tôi mới chịu thừa nhận chuyện Phật, Thánh Ala, Chúa và Thần Ganesha ngồi “chung chiếu” ở Penang là có thật, sống động bằng những ví dụ chứ không phải hình thức. Và thật ra thì đức tin của con người, suy cho cùng vẫn là chuyện của trái tim chứ không phải lý trí trong đầu…
HOÀNG VĂN MINH