Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật cụm liên xã Điện Thọ - Điện Phước - Điện Hồng (huyện Điện Bàn) thực sự là nơi san sẻ yêu thương, giúp hàng trăm trẻ em bất hạnh hòa nhập cộng đồng.
Sẻ chia
Phòng vật lý trị liệu của Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ em khuyết tật lúc nào cũng ồn ào bởi tiếng khóc cười của bọn trẻ. Hầu hết các em được chăm sóc ở đây có triệu chứng của bệnh bại não, thiểu năng và bại liệt. Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Giám đốc trung tâm cho biết, hiện nay trung tâm đang chăm sóc cho 20 trẻ khuyết tật do tổ chức Đông Dương bảo trợ vào 4 ngày trong tuần là thứ 2, 3, 5 và 6. Hàng ngày các cháu được một kỹ thuật viên, một cấp dưỡng và 4 cộng tác viên chăm sóc, hướng dẫn trị liệu với các loại máy tập, đồng thời bày vẽ cho các cháu học hành, vui chơi. “Tính đến nay, trung tâm đã nuôi dạy 276 trẻ em khuyết tật trong đó có khoảng 40 em tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt một số em sau khi rời trung tâm được nhận vào các xí nghiệp may để làm việc. Thực sự dự án hỗ trợ trẻ em khuyết tật không chỉ là nơi nuôi dưỡng mà còn là nơi để các em có thêm tri thức và hòa nhập cộng đồng”- bà Hà nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh thăm và tặng quà cho trẻ em tại trung tâm. |
Tôi thực sự ngưỡng mộ và khâm phục những người đã gắn bó với trung tâm, với những đứa trẻ bất hạnh này. Phải có tấm lòng nhân ái, bao dung lắm mới có thể chia sẻ yêu thương và giúp đỡ các em hòa nhập cộng đồng. Tôi mong rằng, các anh chị em tiếp tục phát huy tinh thần này để ngày càng có thêm nhiều mảnh đời bất hạnh có cơ hội sống, vươn lên. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh) |
Nhờ dự án hỗ trợ cũng như nhiệt huyết của các cộng tác viên nên các em đến đây đều có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng. Em Lê Ngọc Linh (11 tuổi, thôn 4 xã Điện Hồng) là một trường hợp như vậy. Vốn bị bại não từ khi mới lọt lòng nên khi được chuyển vào trung tâm, Linh chỉ ngồi một chỗ và nói rất khó khăn. Thế nhưng, phép màu đã đến, nhờ sự kiên trì và tình yêu thương của những con người có trái tim nhân hậu tại trung tâm, sau một thời gian tập vật lý trị liệu Linh đã biết viết chữ, xem ti vi và đối đáp một cách lưu loát khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. “Ở nhà con không có ai chơi cùng, đến đây con rất vui vì được các cô cho ăn uống, dạy chữ và được chơi cùng nhiều bạn bè”- Ngọc Linh bộc bạch. Tại trung tâm, được sinh hoạt trong môi trường cộng đồng nên các em thích ứng nhanh hơn, các cộng tác viên còn lồng ghép cho các em học hát, đá banh, cầm tay chỉ dạy để những trẻ em khuyết tật tiếp thu và nâng dần kỹ năng nhận thức.
Những trái tim nhân ái
Năm 2001 Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam thành lập trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật giúp 130 trẻ em khuyết tật tại 3 xã Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phước được chăm sóc. Sau 7 năm, dự án kết thúc, tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tiếp tục đồng hành hỗ trợ trung tâm. Và từ năm 2012 đến nay, tổ chức Đông Dương hỗ trợ cho 20 trẻ khuyết tật đến từ các xã Điện Hồng, Điện Tiến, Điện Phước, Điện Hòa và Điện Thọ. Các em được các kỹ thuật viên hướng dẫn tập vật lý trị liệu góp phần không nhỏ giúp hàng trăm trẻ khuyết tật có cơ hội hòa nhập cộng đồng. |
Việc chăm sóc trẻ đã khó, đối với những trẻ em khuyết tật lại càng khó hơn. Hầu như các em không thể tự chăm sóc bản thân, mọi sinh hoạt từ vệ sinh, tắm rửa, ăn uống đều do một tay các tình nguyện viên sửa soạn. Hiện trung tâm có 8 thành viên tham gia quản lý và chăm sóc cho trẻ em khuyết tật. Tuy phải gồng gánh không ít cực nhọc trong cuộc sống riêng tư nhưng mọi người luôn coi những đứa trẻ tại trung tâm như con cháu trong gia đình, nâng niu từng chút để mong các em dần tiến bộ. Cô Phan Thị Tám (phụ trách công tác cấp dưỡng) chia sẻ: “Số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng chúng tôi vẫn tham gia chăm sóc trẻ em khuyết tật để mong các em có thêm nghị lực trong cuộc sống. Con mình may mắn được đến trường, có cơ hội học hành trong khi những đứa trẻ chỉ mong được hòa nhập cộng đồng thôi cũng hạnh phúc lắm rồi. Chỉ nghĩ đơn giản thế thôi nên nhiều năm rồi tôi vẫn không thể dứt bỏ trung tâm mà đi”.
Không chỉ thụ động nhận kinh phí từ dự án hỗ trợ, tất cả cộng tác viên của trung tâm tích cực tham gia vận động, đi đến nhiều nơi để kêu gọi những cá nhân, tổ chức nhân đạo giúp đỡ, tạo nguồn quỹ để cưu mang những trẻ em khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Hà cho biết, sau khi dự án hỗ trợ của cựu chiến binh Mỹ dừng lại, chúng tôi giật gấu vá vai, kêu gọi cộng đồng hỗ trợ để tiếp tục nuôi dưỡng các em suốt chín tháng cho đến khi tổ chức Đông Dương đồng ý nhận hỗ trợ. “Thấy các cháu khuyết tật ở trung tâm vui vẻ, ngày càng phát triển tốt nên chúng tôi cảm thấy lòng mình nhẹ nhõm vì công sức bỏ ra được đền đáp, hy vọng trung tâm sẽ tiếp tục được duy trì để các em có điều kiện được chăm sóc tốt hơn, giảm được gánh nặng cho gia đình và bản thân các em”- bà Hà nói.
DUY THÁI - THỤC ANH