Đang lim dim ngủ trưa thì bỗng dưng nghe nhiều tiếng gọi: “Chú Minh ơi!”- “Chú Minh có nhà không?”. Giật mình mất giấc. Nhìn ra ngõ thấy một bầy trẻ nhỏ cả gái lẫn trai đang đạp xe vào tận sân nhà. Hai mẹ con Ti, Tô chỉ gâu gâu mấy tiếng rồi ve vẫy đuôi lại gần liếm chân. Chẳng thấy đứa nào sợ chó. Hỏi: “Có chi không các con?” - “Chú cho mượn cái cù móc” - “Để làm chi vậy các con?” - “Hái mận ăn chơi”. Rồi không đợi chủ nhà đồng ý, một cậu vào lấy cái cù móc có gắn vợt dựng trước hiên, đi thẳng tới mấy cây mận bên sân.
Trẻ em chơi trò bắn bi. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Chủ nhà phàn nàn: “Hái chi hái miết rứa các con? Còn mấy trái để cho cô chú với chớ!” - “Cô chú già rồi, ăn chi mấy thứ ni?” - “Hả…?”. Đứng gãi đầu nhìn mấy chùm mận đỏ ối cuối cùng bị vặt trụi, lại tự nhiên bị chê già kể cũng… tức thật nhưng biết làm gì hơn. Có phồng mang trợn mắt quát tháo chúng cũng chẳng sợ, và có thể còn bị chọc quê là… kiết lỵ, già mà còn đinh…
Trẻ con làng tôi ngày nay trông có vẻ tự tin hơn các thế hệ trước rất nhiều. Hình như chúng chẳng có điều gì phải lo sợ, sướng thiệt. Cơm nước cửa nhà là chuyện của mẹ. Chăn bò lùa vịt là chuyện của cha hoặc ông nội. Hình ảnh “trẻ mục đồng” dường như đã biến mất mà thay vào đó là các “mục lão”. Ngày hai buổi các em học ở trường. Chiều về là bóng đá, cầu lông, nhà khá giả còn cho đi học bơi, học võ. Nhiều em đã lớn ngồng, buổi tối đi học thêm cũng có người đưa đón. Thậm chí trong các cuộc cắm trại ở trường, việc dựng lều, nấu nướng đều do các chi hội phụ huynh… thi thố với nhau. Dù giàu hay nghèo, người lớn cũng giành hết mọi việc và chiều con hết mực. Trong làng, bây giờ ít khi nghe cha mẹ la rầy con cái. Ở trường cũng vậy, không thầy cô nào muốn và dám nặng lời với học trò. Riêng cấp tiểu học, “bửu bối” của các thầy là cái sổ điểm cũng không còn nên các em chẳng lo bị điểm kém. Các em chỉ có việc học hành và vui chơi.
Nhớ lại thời xưa, ngay cả ngày đầu tiên đi học của tôi cũng không phải do “mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi…” mà nhờ một thằng nhóc khác trong xóm học trước một lớp dắt theo. Ở trường tôi ít có bạn để chơi vì hầu hết những thằng cùng lớp đều lớn hơn tôi ít ra là vài ba tuổi. Ngược lại, tôi vào lớp Năm (tương đương lớp Một ngày nay) khi chỉ mới 5 tuổi, do ông chú ruột tôi đồng thời là thầy giáo duy nhất ở trường làng buộc phải đi học sớm. Cho nên ông thầy vốn đã nghiêm khắc lại càng “roi vọt” với thằng cháu nhiều hơn. Từ đó, trong các nỗi sợ thời thơ ấu của tôi thì đứng đầu là sợ thầy.
Mà đứa học trò nào chẳng sợ! Thầy có một bộ… “hình luật” với nhiều “khung” hình phạt khác nhau. Mỗi buổi vào lớp, khoảng một tiếng đồng hồ trước tất cả môn học là dành cho mục “kiểm thảo”. Học sinh tranh nhau “tố” bạn vi phạm các nội quy do thầy “ban hành” từ đầu năm và thường xuyên được bổ sung trong suốt năm học. Về nhà đi chăn bò mà hái dưa trộm thì thuộc nhóm trọng tội. Đi đường gặp người lớn mà không ngả mũ chào cũng là một tội… Phần “đấu tố” được tiến hành song song với phần “thi hành án”. “Tố” đến đâu phạt đến đó. Tội nặng như đánh lộn, nói tục, chửi thề… sẽ bị hình phạt cao nhất giống như… “tứ mã phanh thây”, tức là nằm sấp xuống nền nhà, tay chân sẽ bị bốn đứa khác kéo căng ra. Thầy giáo ngồi xoay ngang người trên ghế, vừa kể tội vừa đét roi vào mông. Thông thường nhiều nhất cũng chỉ đến 5 roi nhưng rất mạnh, rất đau.
Tội nhẹ nhất như trên đường về “không đi hàng một” thì hình phạt sẽ là “đứng nghiêm”, nhìn lên một bức tranh trên tường nhưng không được chớp mắt. Các “phạm nhân” này sẽ được “xử” đồng thời nơi góc phòng học, do một đứa được thầy “tín nhiệm” cử làm “quản giáo”. Hình phạt này tuy không đau nhưng cũng không dễ chịu chút nào. Bạn đọc thử… “tự phạt” xem mình chịu được mấy phút? Chỉ cần một chặp là nước mắt đã ràn rụa nhưng nếu chớp mắt một cái thì thời gian “đứng nghiêm” sẽ tăng đôi. Còn tội trạng thuộc loại trung bình như không thuộc bài, vở nhem nhuốc, viết sai chính tả… thì thường bị phạt “bóp chuột”. Thầy giáo vừa chấm bài vừa nắm “con chuột” chỗ cánh tay trên của học trò bằng ngón cái và ngón giữa. Cứ phát hiện mỗi lỗi trên vở thì thầy lại bóp mạnh một phát đau điếng kèm theo một tiếng “quấy!”. “Con chuột” của tôi ngày nào cũng được… “rèn luyện” như thế cả chục lần, bởi chữ viết của tôi không những như gà bới mà trang vở lúc nào cũng nhem mực. Mỗi bữa đi học về, dù không đem “con chuột” ra… khoe nhưng mẹ tôi cũng biết và xoa dầu hỏa cho bớt sưng để mai còn phải… chịu bóp tiếp. Không những thế, ông chú – thầy của tôi lại ở chung vườn nên nếu tội nặng mà ở trường phạt chưa đủ, trưa về chú còn sang nhà phạt… “bổ sung”. Thông thường, thầy “nọc” tôi lên bộ ngựa rồi vừa kể tội vừa “ra roi”. Mẹ tôi đứng nhìn có ứa nước mắt cũng không dám can ngăn.
Ngoài chuyện sợ thầy tôi còn nhiều nỗi sợ khác. Ở nhà sợ đòn roi. Cha “chuyên dùng” roi cày, mẹ thì roi dâu. Còn có ông anh ruột học lớp đệ nhị (lớp 11) trên tỉnh lâu lâu về truy bài, trả lời không thông liền bị bắt quỳ, khẻ tay bằng thước kẻ. Đi chăn bò sợ mấy bác nông dân “cộc”. Ham chơi lỡ để bò ăn vài gié lúa cọng khoai thì thế nào cũng bị điều tra ra, có chạy trốn đường trời cũng bị tóm và đòn roi quắn đít. Trên đường đến trường tôi lại sợ mấy đứa con gái cùng làng. Thấy tôi nhỏ chúng ăn hiếp đủ điều, bắt tôi ôm tất cả vở sách, bảng con, thước kẻ… lẽo đẽo đi theo sau bọn chúng như tiểu đồng, mỗi ngón tay còn đeo… một lọ mực. Bọn nó chỉ đi tay không, nói cười huyên thiên, họa hoằn mới có đứa thương tình đút cho một viên kẹo ú.
Sau này nghe kể lại những chuyện đó, vợ hỏi: “Bây giờ còn sợ gì nữa không?” – “Còn chớ. Hồi còn nhỏ sợ ma, nay lại thêm sợ vợ… Hi hi”.
PHAN VĂN MINH