Nơi ta gặp trùng vây yêu mến…

PHÙNG TẤN ĐÔNG 16/09/2022 08:55

Ngôi trường thân yêu mang tên chí sĩ Trần Quý Cáp (TP.Hội An) đã tròn 70 năm, dài như một đời người với bao thăng trầm dâu bể. Nếu tính cả thời vào “đệ thất” (lớp 6 bây giờ) đầu những năm 70 thế kỷ trước thì lứa học trò như tôi cũng đã “gắn kết” với ngôi trường trên bốn mươi năm lẻ.

Các thế hệ thầy cô giáo Trường THPT Trần Quý Cáp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các thế hệ thầy cô giáo Trường THPT Trần Quý Cáp. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Còn nhớ ngày vào trường mẹ sắm cho chiếc xe đạp ‘trẻ con” để đi từ làng gốm Nam Diêu đến trường gần 5 cây số với bao nhiêu bỡ ngỡ, thầy cô mới, bè bạn mới.

Thời “tóc mây còn vướng trên đài trán” thằng người hay “mơ mộng” như tôi thường để đầu óc “phiêu” trên những hàng phượng già, những “mây trắng bay trên sân trường vắng”…

Tôi còn nhớ thư viện trường bao nhiêu là cuốn sách hay - nhất là tủ sách “tuổi hồng”, “tuổi hoa”, sách “phiên lưu mạo hiểm”…

Tôi nhớ cả những anh lớp trên mang kính cận dày, nách luôn kẹp cuốn sách, thỉnh thoảng hay vỗ trán “suy tư”, nhất là các anh học triết, những chữ mới các anh hay tranh luận như “siêu hình học” rồi “hình nhi thượng”, hay “hình nhi hạ”… khiến bọn nhóc chúng tôi chẳng biết mô tê chi ngước nhìn thán phục.

Tôi cũng nhớ những cuộc thi “hùng biện”, thi “đố vui để học” chẳng khác chi “đường lên đỉnh Olympia” sau này hết sức sôi động, rồi hội trại tất niên hằng năm với những cuộc thi vẽ tranh, văn nghệ tuổi học trò cuốn hút đến mê say.

Thời ấy học trò luôn sợ đi học trễ giờ, bởi đi học trễ có khi đành “quay về” vì các vị giám thị rất nghiêm. Trường lúc ấy có hai cấp, đệ nhất và đệ nhị, tương đương THCS và THPT bây giờ.

Có những sự kiện “ngoài giờ” xen vô các tiết học là những cuộc giới thiệu sách mới của các tác giả, thường là tác phẩm thơ. Tôi còn nhớ nhà nghiên cứu Trương Duy Hy đăng đàn thuyết trình về “thơ văn Tú Quỳ”, nhớ nhà thơ Lũ Tùng Anh đọc “yêu thương sa mạc tình biển rộng - quạnh quẽ cô liêu đến cội nguồn”…

Năm 1975 chúng tôi hoàn thành hết năm học rồi về học năm cuối cấp hai ở các xã, phường ‘thường trú” để đến hè 1976 chúng tôi lại thi tuyển vào cấp ba, lại về “trường xưa”. Lần này chúng tôi có bạn bè là nữ vì trước 1975 cấp học chúng tôi không có nữ sinh, nghĩa là không có chuyện “mang đến lại mang về” những “tình thư nhất bức”…

Có lẽ trong những ngày rời mái trường thân yêu vào cái năm 1979 với tôi là những ký ức khó phai mờ. Tháng 7 vừa thi xong đại học chúng tôi nhận lệnh gọi nhập ngũ. Thời điểm đó lệnh Tổng động viên vừa được vài tháng. Súng đã nổ ở hai đầu đất nước.

Tôi còn nhớ những câu thơ bộ đội “dội” về từ mặt trận Lạng Sơn “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh… Đồng Đăng bây giờ, ai lên Đồng Đăng/ Máu đã chảy ở đầu câu lục bát…” (Nguyễn Duy). Nhớ nhất đêm “hội quân” cũng ngay chính sân trường Trần Quý Cáp và ngày lên đường, người mẹ của tôi tuổi ngoài 40 còn đạp xe tiễn theo đến tận Lai Nghi…

Nhớ những ngày huấn luyện ở Hòa Mỹ luôn được sự quan tâm của bạn bè học Bách khoa, Thương nghiệp, Cao đẳng Sư phạm… ghé thăm. Mời nhau cốc nước, ổ bánh mì là quá “xênh xang” rồi... Hai năm sau ra Quảng Trị rồi đi biên giới phía Bắc. Bạn bè dần xa.

Tôi nhớ những đêm mưa Huế, nhớ chuyến tàu lên Bắc, những khi đơn độc luôn nồng ấm là những khuôn mặt thầy cô, bạn bè trường Trần Quý Cáp, những lá thư lấm láp bụi đường. Những lá thư chia sẻ khó khăn, động viên nhau, giúp nhau có niềm tin vào cuộc sống, nuôi lớn những khát khao tri thức để khi nào “ra quân” là tiếp tục đi học…

Bốn mươi năm sau gặp lại bạn bè cùng khóa càng thiếu vắng nhiều khuôn mặt. Những Đinh Minh, Kim Hoa… hy sinh ở chiến trường K, rồi những năm sau này dần khuất vắng… Khương Đình Thám, Phùng Ngọc Nhân, Nguyễn Đức Hiền, Trương Xu, Huỳnh Thị Huệ… Xúc động nhất với tôi là lần gặp Bưng trên đường đi Chũ (Lục Ngạn) năm 1982, xe bộ đội đi nhanh quá, chỉ biết gọi tên để chào nhau trong gió lốc bụi đường.

Trong nghĩa thầy, tình bạn - có thể với cuộc sống hôm nay còn nhiều điều, nhiều điểm “chưa thuận” nhưng tất thảy đều lấy chữ “hòa” trong ý nghĩa “hòa nhi bất đồng” của cổ nhân làm trọng. Tôi nhớ thời bao cấp thiếu thốn trăm bề, nhiều thầy cô đã san sẻ cho học trò từng lon gạo, lạng bo bo, từng miếng cơm, cuốn vở, nhiều bạn nam còn chung nhau chiếc áo sơ-mi trắng lành lặn để đến trường...

Và rồi tôi nhớ những câu thơ Rimbaud “ôi những đền đài, những mùa màng, có tâm hồn nào mà không thiếu sót”, vào tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” chúng ta rồi cảm biết được hạnh phúc khi còn được gặp nhau, còn được tận hưởng niềm vui sống giữa những tình thân và điệp trùng kỷ niệm với ngôi trường đã tròn 70 năm tuổi.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơi ta gặp trùng vây yêu mến…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO