Không niêm yết giá, nói thách vô tội vạ là tình trạng mà người tiêu dùng thường xuyên gặp phải từ các đại lý lớn đến ki-ốt hàng hóa trong các chợ truyền thống.
Nhiều người chọn mua hàng hóa trong siêu thị để tránh tình trạng nói thách tại chợ truyền thống. Ảnh: THỤC ANH |
Loạn giá
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyến (thôn Phú Thịnh, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh) đi chợ Tam Kỳ nhiều năm nhưng không phải lần nào cũng mua được đúng giá hàng hóa. Chọn đôi giày nữ, chị Tuyến được chủ ki-ốt ra giá: “Kiểu này mới về, giá 150.00 đồng”. Sau một hồi trả giá, chị Tuyến mua được đôi giày với giá 75.000 đồng. Câu chuyện hét giá trên trời không mới ở các chợ truyền thống, nhiều khi được người tiêu dùng mặc định là “thói quen” của người bán hàng. Trong khi đó, việc niêm yết giá đã được pháp luật quy định từ nhiều năm nay và cũng đã được các cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để quản lý. Theo quan sát, khi một số đoàn kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá tại các chợ, nhiều tiểu thương đã thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, sau một thời gian thì đâu lại vào đó, giá cả vẫn không được niêm yết trên sản phẩm hoặc không được thông tin bằng bảng giá.
Về phía người bán lại cho rằng, nhiều khi giá được gắn lên nhãn mác là giá đã được tính toán phải chăng, hợp lý để bán cho người tiêu dùng. Thế nhưng, tâm lý “nói thách” ở chợ truyền thống khiến người tiêu dùng e ngại. Chị Nguyễn Thị Thảo (bán mỹ phẩm chợ Tam Kỳ) chia sẻ: “Tuân thủ việc niêm yết giá hàng hóa nhưng người mua vẫn sợ bị “hớ”. Điều này dẫn đến tình trạng các bạn hàng cạnh tranh, sẵn sàng bán rẻ hơn 5.000 - 10.000 đồng khá phổ biến. Vì vậy, hầu hết chủ cửa hàng thường không niêm yết giá để thuận mua vừa bán, lại không phải mất khách”.
Việc loạn giá ở các chợ truyền thống khiến người tiêu dùng e ngại. Bởi hiện nay, kênh phân phối hàng hóa khá đa đạng cùng chế độ khuyến mãi hấp dẫn đem đến nhiều lựa chọn cho khách hàng. Bạn Nguyễn Thị Tuyết (sinh viên Trường ĐH Quảng Nam), nói: “Đi những chợ truyền thống phải sành việc trả giá mới không sợ bị mua “hớ”, nhiều khi còn bị chủ cửa hàng la lối vì trả giá thấp. Vì vậy tôi thường chọn siêu thị để mua sắm, mặt hàng nào không có trong siêu thị mới mua ở chợ”. Có lẽ vì tâm lý chung như vậy nên vô hình trung, việc niêm yết giá chỉ là hình thức. Người tiêu dùng chọn phương án đi siêu thị, trung tâm mua sắm để được niêm yết giá rõ ràng dù hàng hóa ở chợ phong phú chủng loại, mẫu mã phù hợp với nhu cầu của nhiều tầng lớp người tiêu dùng.
Luật chưa đủ sức răn đe
Được biết, trong kế hoạch hoạt động hàng năm Chi cục Quản lý thị trường cùng các ngành liên quan đều tổ chức một số đợt kiểm tra về niêm yết giá. Trong các cuộc họp, làm việc với bà con tiểu thương, ban quản lý chợ cũng thường xuyên nhắc nhở nhưng vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực. Trong khi thực hiện việc niêm yết và bán đúng giá chính là bảo đảm quyền được cung cấp những thông tin cần thiết về hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.
Hiện nay, việc niêm yết giá tại các chợ trên địa bàn tỉnh rất khó thực hiện một cách đồng bộ một mặt do thói quen mua bán, mặt khác vì các chợ đều có quy mô nhỏ, giá trị hàng hóa không đáng kể. Nhiều người dân chỉ bán vài bó rau hay mớ cá, ít hoa quả… nên không thể buộc họ niêm yết giá. Nguyên nhân nữa là chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để răn đe việc vi phạm trong khi nhiều đối tượng kinh doanh các loại hàng hóa nhạy cảm như sữa bột, vàng… giá thường xuyên thay đổi và lợi nhuận cao nên người kinh doanh bất chấp quy định của pháp luật.
Trong đợt kiểm tra bánh trung thu vừa qua, chúng tôi bắt gặp rất nhiều tiệm tạp hóa bán sữa với số lượng lớn nhưng không hề niêm yết giá. Một hộp sữa Pedia Sure 400g tại một số tiệm tạp hóa có giá 260.000 đồng/hộp nhưng tại một quầy tạp hóa thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc), chủ cửa hàng cho biết có giá 285.000 đồng. Thực trạng không niêm yết giá sữa; chủ cửa hàng khó chịu khi yêu cầu được xem bảng giá… diễn ra phổ biến tại các cửa hàng sữa trên địa bàn tỉnh.
Mới đây Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24.9.2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo Ông Lê Cần - Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho hay, đối với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin giá hàng hóa dịch vụ, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi: không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; phạt tiền 300.000 - 500.000 đồng đối với hành vi trên vi phạm từ lần thứ hai trở lên... Trong khi đó, theo Nghị định 84/2011 về xử phạt vi phạm hành chính với hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin hàng hóa dịch vụ sẽ bị xử phạt 500.000 - 2.000.000 đồng đối với hàng hóa không nằm trong danh mục bình ổn giá; xử phạt từ 10 triệu đồng trở lên đối với hàng hóa bình ổn giá. Thiết nghĩ, giá trị phạt hành chính 300.000 - 500.000 đồng áp dụng đối với hành vi vi phạm niêm yết giá lần thứ hai trở lên là khá nhẹ cho những tiểu thương kinh doanh hàng hóa có giá trị lớn.
Để khắc phục tình trạng vi phạm niêm yết giá, chính quyền địa phương các cấp, các ban ngành liên quan cần tích cực phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm thay đổi thói quen và hành vi mua, bán của người tiêu dùng và người kinh doanh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với những đối tượng kinh doanh vi phạm.
CHIÊU THỤC ANH