Y tế

Nối thành công ba ngón tay bị đứt lìa do tai nạn lao động

XUÂN HIỀN 21/06/2024 15:55

(QNO) - Trong 6 tiếng đồng hồ liên tục, các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam thực hiện phẫu thuật cấp cứu khẩn cấp, nối liền và bảo tồn các ngón tay của bệnh nhân bị đứt lìa do tai nạn lao động.

z5556320245790_fb6b42067e8639e66ad27d9fc61fb309.jpg
Khuyến cáo người dân thực hiện sơ cấp cứu hỗ trợ nạn nhân khi có sự cố tai nạn, giúp việc cứu chi hiệu quả. Ảnh minh họa.

Cụ thể, nam bệnh nhân 44 tuổi, trú tại xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ làm nghề thợ mộc. Bệnh nhân bị máy cuốn vào tay, gây đứt lìa các ngón 2,3,4 của bàn tay phải.

Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng và phục hồi chức năng (thuộc BVĐK Quảng Nam) tổ chức hội chẩn, đánh giá tình trạng tổn thương và quyết định nối lại ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân.

z5556321591396_75aa0d8e167f1d2a920f7c02081bdb52.jpg
Hình ảnh xương các ngón tay bị đứt lìa của bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Ca mổ diễn ra ngay sau đó, trong 6 tiếng đồng hồ liên tục, các ngón tay bị đứt rời đã được nối lại thành công. Hiện tại, vết mổ của bệnh nhân đang liền, các ngón tay đã sống tốt và đang trong quá trình hồi phục. Bệnh nhân được cho ra viện sau 14 ngày và tiếp tục được tập phục hồi chức năng để trở lại sinh hoạt lao động.

Được biết, phẫu thuật trồng nối lại các chi thể đứt rời đòi hỏi y bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, nắm chắc các kỹ thuật vi phẫu chuyên sâu. Ngoài ra, yêu cầu nhiều trang thiết bị hiện đại chuyên dụng, cùng sự phối hợp đồng bộ của nhiều chuyên khoa khác.

z5556321358214_4d5aaafe2ab651ec726e373c12e07dcf.jpg
Các ngón tay của bệnh nhân được cứu sống kịp thời. Ảnh: T.T

BS.CKII Nguyễn Tam Thăng - Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - bỏng và phục hồi chức năng cho biết, tai nạn lao động do máy cắt và máy cuốn công nghiệp thường gây hậu quả nặng nề với các tổn thương dập nát, đứt lìa phức tạp.

"Do vậy, cần nâng cao công tác an toàn lao động, nhất là hộ lao động nhỏ lẻ. Khi sự cố không may xảy ra, người dân cần sơ cứu vết thương và bảo quản chi đứt lìa đúng cách để việc điều trị cứu chi được hiệu quả. Đối với vết thương, cần băng ép ga rô cầm máu bằng băng thun, gạt có sẵn, cố định xương bằng nẹp tạm (tre, gỗ, carton..). Đối với phần chi đứt lìa, rửa bằng nước sạch, bọc trong gạt sạch ẩm, gói trong bao nylon rồi mới ngâm trong đá lạnh. Không được cho tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh. Sau đó chuyển nhanh đến cơ sở y tế gần nhất" - bác sĩ Nguyễn Tam Thăng chia sẻ.

Việc phẫu thuật nối đứt lìa chi thể phải được thực hiện ở cơ sở y tế có đội ngũ chuyên khoa sâu với trang thiết bị kính vi phẫu và đảm bảo gây mê hồi sức cho người bệnh. Thời gian nối đứt lìa càng sớm càng tốt, không quá 4 tiếng. Sơ cứu đúng cách sẽ đảm bảo an toàn tính mạng người bệnh và bảo quản chi đứt lìa đúng cách giúp cho việc trồng lại chi thể thuận lợi sau này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nối thành công ba ngón tay bị đứt lìa do tai nạn lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO