Nối thêm nhịp cầu hữu nghị

HỒNG VÂN 19/06/2017 08:44

Hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24.6) và 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5.9), tôi nhớ quãng thời gian say mê đi và viết về tình hữu nghị với hai nước bạn. Tôi mong những bài báo của mình nối thêm nhịp cầu để tình hữu nghị sâu đậm mãi…

Tác giả phỏng vấn Thiếu tướng Khăm Bun - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Lào tại Chămpasắc năm 2013. Ảnh: T.L
Tác giả phỏng vấn Thiếu tướng Khăm Bun - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 Lào tại Chămpasắc năm 2013. Ảnh: T.L

1. Năm 2012, các anh ở văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 kể tôi nghe về hành trình tặng bức tượng bà mẹ Campuchia bằng đá trắng cho một gia đình ở tỉnh Stung Treng. Đó là tượng mẹ Phiu Ma Ly, do Trung tướng Nguyễn Trung Thu (nguyên Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam) nhờ nghệ nhân nổi tiếng ở Non Nước tạc. Mẹ Phiu Ma Ly là người từng bảo vệ, giúp đỡ Trung tướng Nguyễn Trung Thu trong những năm ông chiến đấu ở chiến trường K. Buổi lễ đón nhận bức tượng đã diễn ra thật cảm động… Khi biết câu chuyện, thông qua cán bộ của ta bên nước bạn, tôi đã nhờ con gái mẹ Phiu Ma Ly là Su Chanh Tak viết hồi ức về mẹ mình và tình cảm đối với quân tình nguyện Việt Nam. Khi đã có tư liệu, tôi lại nhờ các anh bên ấy dịch sang tiếng Việt và gửi thư nhanh về Việt Nam. Nhờ sự phối hợp tích cực của nhiều người, tôi đã có bài viết khá cảm động: “Vị tướng Quân khu 5 và bức tượng bà mẹ Campuchia”. Không hiểu bằng cách nào, nhà báo Soi Sôn Tiếp - Chủ nhiệm báo Đơm Ôm Pơl (thuộc Đảng CPP) có tờ báo và đã dịch ra tiếng Campuchia, sau đó đọc trên 3 kênh phát thanh của nhà nước là Apsara, Ba Joan và CTN nhân dịp kỷ niệm 33 năm Ngày giải phóng Campuchia (7.1.2012). Nhiều người đã nghe và thêm yêu mến những người lính Việt Nam tình nghĩa, thủy chung…

Tôi biết Thiếu tướng Trần Ngọc Yến (nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, quê Núi Thành) có một người bạn Campuchia rất thân thiết, thường đến thăm ông mỗi khi qua bên này. Một lần, trước khi đi công tác ở Campuchia, tôi hỏi và vô cùng ngạc nhiên khi biết người bạn đó là Đại tướng Huốt Xiêng, Phó Tổng Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia kiêm Tư lệnh Quân khu 1. Lịch trình công tác dày đặc, vậy mà khi tôi đặt vấn đề được gặp để phỏng vấn những kỷ niệm với Thiếu tướng Trần Ngọc Yến, Đại tướng Huốt Xiêng đồng ý ngay. Ông kể giọng xúc động, đôi lúc rơm rớm nước mắt về những ngày sát cánh cùng chuyên gia Trần Ngọc Yến xây dựng chính quyền non trẻ sau giải phóng, về những lần suýt chết vì mìn trên đường kiểm tra trận địa. Bài viết “Tình bạn đặc biệt giữa hai vị tướng” đã ra đời như thế. Không bao lâu sau bài báo của tôi, nhận lời mời của bạn, Thiếu tướng Trần Ngọc Yến cùng gia đình đã có chuyến thăm lại Campuchia sau 22 năm. Nhiều cán bộ trong Bộ Tư lệnh Quân khu 1 nước bạn nhận ra ông, nhân vật trong bài báo càng thêm yêu mến và trân trọng.

Một lần, đi qua ngôi nhà có vườn hoa rất đẹp ở tỉnh Stung Treng, bạn giới thiệu đó là gia đình của người lính tình nguyện Phạm Phú Biết và một phụ nữ Campuchia tên Bun-my, hiện là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tôi đã tranh thủ thời  gian tìm hiểu và có bài viết: “Người lính bên cạnh Bun-my” rất kịp thời. Còn nhiều bài viết nữa về người lính tình nguyện mà tôi đã rất tâm huyết. Nhờ sự nỗ lực này, vừa qua tôi đã được Chính phủ Campuchia tặng thưởng Huân chương Hữu nghị và tôi coi đó là niềm vui trong nghề viết của mình.

2. Với đất nước Lào, tôi có nhiều kỷ niệm khi đến cao nguyên Bô-lô-ven. Chẳng kịp đi tham quan hay mua sắm gì, tôi tranh thủ đến thăm các đơn vị quân đội bạn để xem chiến sĩ huấn luyện và sinh hoạt ra sao. Thiếu tướng Khăm Bun - Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 cũng dành nhiều thời gian nói chuyện với tôi về sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 với Sư đoàn 5 và 4 tỉnh Nam Lào. Tôi còn về cụm bản Thông Kà Lổng do Công ty TNHH MTV Nam Lào, Quân khu 5 giúp xây dựng... Từ những chuyến đi như thế, các bài báo ra đời, đã thực sự đem lại niềm động viên lớn cho những người bạn Lào. Sau này có dịp gặp lại những người bạn Lào, nói rằng họ rất vui khi đọc những bài báo  của tôi (thông qua Công ty Hữu nghị Nam Lào trên đất bạn) và họ đã chuyền cho cả đơn vị xem.

“Cuộc gặp gỡ kỳ lạ sau 40 năm” là bài báo tôi viết về Đại tá Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu 5 và Thiếu tướng Soraphot Nirandara, Trưởng Trung tâm liên kết các quốc gia láng giềng, Bộ tổng Chỉ huy, Quân đội Hoàng gia Thái Lan. Đó là câu chuyện người lính Việt Nam cứu người lính Thái Lan trong trận chiến đấu ở Pắc Xế (Lào) năm 1972, rồi 40 năm sau họ gặp nhau tại một ngôi chùa ở thủ đô Viên Chăn… Với tượng đài Liên minh chiến đấu Việt - Lào ở Chămpasắc mới được xây dựng, tôi không chỉ tham quan tại chỗ mà dành nguyên một ngày gặp gỡ các cựu chiến binh Lào đã từng sát cánh cùng bộ đội Việt Nam năm xưa, rồi Huyện đội Pắk Soòng - đơn vị đang quản lý tượng đài. Chính nhờ kỳ công như thế mà bài viết “Có một địa chỉ đỏ ở Chămpasắc” của tôi đầy đủ hơn nhiều những thông tin trước đó.

Nhiều lần cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đến thăm Tổng lãnh sự quán Lào tại Đà Nẵng tôi mang tặng những bài viết về tình hữu nghị Việt - Lào, họ vui lắm. Mới đây nhất, có dịp đến thủ đô Viêng Chăn cùng Công ty Hữu Nghị Nam Lào thăm Thượng tướng Chăn-xạ-mỏn, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CHDCND Lào và Trung tướng Vị-lay Lạ-khăm-phông, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Lào, tôi không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu các bài viết về tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào…

HỒNG VÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nối thêm nhịp cầu hữu nghị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO