Dư luận vừa qua xôn xao hẳn lên khi hay thông tin, điểm trúng tuyển vào khoa Ngữ văn các trường đại học lớn cả nước đều ở mức cao. Phải chăng, đây là thời điểm trở lại của các môn học khoa học xã hội, triết học và tâm lý, nhằm cân bằng lại trạng thái xã hội...
Những giá trị sâu sắc
Hai chữ “ngữ văn” đã bao hàm một nội dung học vấn xã hội quan trọng và rất nhiều thế hệ tri thức đều thừa nhận, những giá trị nhân văn trong ngành này đại diện cho tiết độ lễ giáo và truyền thống văn hóa xưa nay.
Chữ ngữ 語, trong Hán tự và tiếng Việt, chính là tiếng nói, lời nói của con người, viết đầy đủ chính là “ngôn ngữ” (言語). Ngôn 言 là chữ tượng hình, vẽ những gì phát xuất ra từ miệng, là lời nói. Ngữ 語, là chữ tạo ra bởi bộ ngôn (語, lời nói) ở phía trước, chữ ngô (吾, bản thân) dùng mượn âm đọc ở phía sau, nghĩa là phép tắc, trật tự về lời nói của bản thân, là quy chuẩn quy định lời nói của mỗi dân tộc, mỗi chủng tộc khác nhau.
Ngôn ngữ, chính là quy tắc thể hiện lời nói, là hình thức hiển thị tri thức, trí tuệ của con người. Sử dụng ngôn ngữ, chính là thể hiện trình độ văn minh, mức độ văn hóa của con người. Học ngôn ngữ, tức học cách nói, cách thể hiện ngôn ngữ của con người ở mỗi dân tộc khác nhau.
Chữ văn 文, được hiểu ban đầu là chữ tượng hình, vẽ một người đang đứng, trước ngực có hình xăm, tức tù trưởng, tộc trưởng, là người cao quý trong bộ lạc, có hiểu biết hơn những người khác. Chữ văn theo đó, có nghĩa là hình xăm, một hình thức thể hiện “giá trị cao hơn”.
Về sau, chữ văn được giảng thành chữ biểu ý trong chữ Hán, vẽ hình hai cánh tay nâng một cái mâm đưa lên cao, trên mâm là một viên ngọc, có nghĩa là giá trị cao quý, nổi bật. Chữ văn, vì thế được hiểu là những giá trị tinh túy, nổi bật nhất trong đời sống, được đúc kết, góp nhặt lại. Đó chính là tri thức, trí huệ của con người ở mỗi thời đại. Học văn, chính là học văn hóa, học văn chương, học hỏi những giá trị tinh túy của văn minh tiến bộ mà xã hội có thể thu hoạch lại.
Hai chữ ngữ văn, theo đó hàm nghĩa, là bộ môn quan trọng, dạy cách sử dụng ngôn ngữ một cách tinh túy, xuất sắc, đúc kết những giá trị xã hội, văn hóa một cách hoàn bị và chất lượng, tạo nên con người văn hóa, trí tuệ thực thụ. Bộ môn Ngữ văn, vì vậy luôn được đánh giá cao, mang tính chất tổng hợp về mặt xã hội, được xã hội đề cao và tôn trọng.
Tìm kiếm sự cân bằng
Thực tế trong một giai đoạn chưa xa, khi kinh tế thị trường xuất hiện, có những đánh giá, tác động toàn diện đến toàn xã hội, đẩy nhiều hoạt động xã hội vào xu hướng giá trị vật chất hóa, đề cao thu nhập, giá trị gia tăng…
Nhưng nền tảng văn hóa xã hội, nhất là những giá trị truyền thống, thì luôn dựa vào những thành quả văn hóa để lưu giữ và phát triển, ẩn ngầm sau những tác động có phần tiêu cực của một xã hội tiêu dùng, cạnh tranh thị trường mà tiếp tục duy trì, nuôi dưỡng những giá trị bền vững.
Trong đó, ngôn ngữ giao tiếp, với nhiều mức độ biến động khác nhau của thời cuộc, bị ảnh hưởng không nhỏ để thay đổi, thậm chí tiêu cực dần đi; và những hoạt động văn hóa, cũng sẽ bị tác động lung lay, bào mòn, biến chất nhất định.
Tất cả tạo nên thực trạng mâu thuẫn và phức tạp về giá trị tri thức xã hội, khiến nhiều người nhầm tưởng, đề cao các giá trị tạm thời, bề mặt và xã hội càng đi theo thiên hướng này, càng xa rời những giá trị cố hữu, truyền thống, cộng đồng dần đi đến sự hoang mang và bắt buộc phải tìm cách “tự quay lại”.
Có thể nói, đến một mức độ thị trường hóa cao độ, mọi giá trị bề nổi bị bão hòa, bộc lộ những nhược điểm và nguy hiểm tiêu cực, động thái xã hội sẽ quay ngược lại, tìm kiếm những giá trị chân chính để bảo toàn. Tri thức, học vấn xã hội sẽ dần tách khỏi những giá trị nhất thời để cầu kiếm, truy vấn và tiếp cận những giá trị bền vững, nhân văn hơn.
Có lẽ, đây là lý do để giải thích, hiện trạng hoạt động xã hội và nhân sinh hiện nay, sau ảnh hưởng của dịch bệnh toàn cầu, khủng hoảng kinh tế quốc tế và những hoạt động tiêu cực đến nhân loại khác như chiến tranh, tranh chấp thị trường…, dần đòi hỏi các thế hệ phải hợp lực, soi xét hành trình đã đi qua của mình, mà từng bước cải thiện lại tình hình.
Phải chăng, hiện nay là thời điểm trở lại của các môn học khoa học xã hội, triết học và tâm lý, nhằm cân bằng lại trạng thái xã hội? Theo đó, bộ môn Ngữ văn, với vai trò, tiêu chí của một môn học giúp khai phá, cải tạo, dẫn đường trở lại cho tri thức truyền thống trong xã hội, để các giá trị nhân bản và truyền thống được đề cao? Hai chữ ngữ văn, vì vậy, rất đáng để xã hội suy nghiệm và tiếp cận đúng ý nghĩa, đúng những thông tin nội hàm, qua đó được hiểu đúng, hiểu sâu hơn và thực hành học hỏi chính xác hơn.