Dù đất còn ẩm ướt sau đợt mưa gây ngập nặng vừa qua nhưng nông dân xã Đại An, huyện Đại Lộc, vẫn ra đồng để giặm lại những diện tích bị hư hại. Và lúc này, rau trành lại “lên ngôi”.
Rau trành đắt hàng sau đợt mưa gây ngập nặng. Ảnh C.N |
Ở Đại Lộc nói chung và Đại An nói riêng, cây giống ươm trong bầu xếp vào từng liếp, từng trành đan bằng tre nên gọi là rau trành. Người dân xã Đại An thường dự trữ rau trành để chờ giặm một số ít diện tích hư hại sau cơn lụt 23 tháng 10 âm lịch hàng năm. Năm nay, không có lụt 23.10 nhưng đợt mưa vừa qua đã khiến 120ha rau màu vụ đông và vụ tết ở xã Đại An bị ngập úng, hư hại. Ngay sau khi nước rút, bà con nông dân trong xã đã lo chuẩn bị gieo trồng trở lại, với hy vọng kịp cung ứng cho thị trường trong và sau tết. Tranh thủ khi trời hửng nắng, bà con rủ nhau ra đồng, kiểm tra mức độ rau màu bị hư hại để chuẩn bị cây giống trồng giặm. Đối với những diện tích rau màu bị hư hỏng lớn, nhiều người quyết định phá bỏ, làm đất trở lại để trồng mới. Rau trành vì thế trở nên đắt hàng hơn, từ các loại cây có quả như đu đủ, dưa leo, mướp, khổ qua, cà, ớt,… đến các loại rau như xà lách, cải.
Anh Vân, chuyên doanh rau trành ở thôn Bàu Tròn cho biết, mỗi trành ớt (cỡ hơn 200 cây) có giá 90 nghìn đồng, nhưng do nhu cầu tăng cao nên nay không đủ bán, nhiều người phải đi đến các địa phương lận cận như thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Nghĩa... lùng mua thêm mới mua đủ số lượng về giặm những diện tích bị hư hại. Các loại cây giống khác thường bán lẻ với giá 500 - 2.000 đồng/cây, tùy loại.
Cũng vì cây giống ươm sẵn trong bầu khan hiếm nên một số người chọn giải pháp cấy giặm trực tiếp. Bà Phan Thị Cháu ở thôn Bàu Tròn cho biết, vụ này gia đình bà trồng mấy sào ớt và trong đợt ngập vừa rồi bị hư hại tương đối nhiều. Không mua được ớt giống ươm bầu, bà quyết định mua ớt con gieo vạt, chưa vô bầu để trồng giặm, như thế mới bắt kịp với số ớt đã xuống giống từ trước.
Nhờ rau trành, nông dân xã Đại An hy vọng sẽ có rau quả kịp phục vụ Tết Nguyên đán sắp đến.
CHÂU NỮ