Nơm nớp với cao su

TƯ RUỘNG 15/10/2013 15:01

- Chứ làm chi mà cầm rựa đi như chạy rứa anh Tám?
- Chu choa, khổ lắm chú Tư ơi.
- Chứ chuyện chi khổ nữa?
- Thì dự báo bão số 11 đó, tui phải lên đồi chặt tỉa và chằng chống vườn cây cao su. Lỡ gió mạnh nó trốc gốc gãy thân thì trắng tay…

Vợ chồng anh Tám Quế Lưu ở huyện Hiệp Đức có 1 héc ta đất đồi nằm cách nhà không xa. Năm 2005 trở về trước, anh Tám chủ yếu trồng keo lai và sắn. Thấy cây cao su thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đầu năm 2006 anh Tám quyết định đầu tư gần 50 triệu đồng thuê người cải tạo đất, mua cây cao su giống về trồng. Nhờ nguồn cây giống chất lượng cao, được hướng dẫn kỹ thuật bài bản, cần mẫn chăm sóc nên vườn cao su tiểu điền của anh phát triển rất tốt. Nhìn vườn cây sinh trưởng khỏe, không hề bị các loại dịch bệnh nguy hiểm gây hại, anh Tám khấp khởi mừng.

Thế nhưng, đầu tháng 9 dương lịch, khi vườn cao su của anh Tám Quế Lưu bước vào giai đoạn khai thác mủ thì lốc bất ngờ ập tới khiến nhiều diện tích hư hại nghiêm trọng. Anh Tám than thở: “Lốc ập tới không trở tay kịp chú Tư ơi. Vườn cao su của tui số thì trốc gốc nằm la liệt, số bị gãy ngang thân. Trong số 20 sào cao su ấy thì có 6 sào bị hư hại hoàn toàn”. Theo anh Tám, 6 sào cao su bị gãy đổ đồng nghĩa với việc anh mất đứt 15 triệu đồng vốn đầu tư cho khâu cải tạo đất, mua cây giống, phân bón và 7 năm ròng tỉ mỉ chăm chút. Nếu mọi sự suôn sẻ thì diện tích đó mỗi năm thu về 20 triệu đồng từ tiền bán mủ. “Cây cao su có chu kỳ khai thác mủ là 25 năm, nếu mỗi năm mất 20 triệu đồng thì tính nhẩm đã thấy tui thất thu 500 triệu đồng rồi. Đối với nhà nông, số tiền ấy là quá lớn, không dễ gì kiếm được”, anh Tám thở dài. Vừa cầm chiếc rựa chặt tỉa các cành nhánh trên những diện tích cao su còn lại, anh Tám Quế Lưu vừa nói: “Cứ nghe dự báo bão đổ bộ là tui lo quá. Nếu chừ không khẩn trương chằng chống và tỉa bớt cành thì bão dữ ập tới chắc chắn mức độ thiệt hại không nhỏ mô chú”.

Trao đổi với Tư tôi, ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, trong trận lốc xoáy xảy ra cách đây hơn một tháng, ngoài những diện tích cao su đại điền của Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam bị hư hại nặng thì tại xã Quế Lưu, Sông Trà, Quế Bình còn có 60 sào cao su tiểu điền của 14 hộ dân bị mất trắng, trong đó khoảng gần 20 sào đang trong thời kỳ khai thác mủ. Theo ông Hoa, vườn cao su gãy đổ chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân trong thời gian tới.

Hôm qua, khi đài báo bão, đâu đâu Tư Ruộng tôi cũng thấy nỗi âu lo hiện rõ trên mặt của nhà nông. Bởi, họ sợ nếu cơn cuồng phong đổ bộ trực tiếp vào Quảng Nam với sức gió mạnh cấp 13 - 14 giật cấp 15 - 16 thì hơn 1.700 héc ta cao su tiểu điền của mình sẽ không thể trụ nổi. Còn nhớ, 2 cơn bão dữ xảy ra hồi năm 2006 và 2009 đã khiến ít nhất 600ha cao su trên địa bàn huyện Hiệp Đức, Núi Thành bị gãy thân, trốc gốc, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Với nhiều người, chuyện buồn ấy giờ vẫn còn rất mới. Nay, cơn bão số 11 càng tiến gần đất liền làm nỗi lo của nhà nông càng trĩu nặng...

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nơm nớp với cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO