Nồm về!

THÁI MỸ 05/08/2016 08:27

Ngày hè, trời đổ nắng chan chan, cái nóng hầm hập bủa vây tứ bề, không gian ngột ngạt giăng giăng khắp làng quê, ai nấy cũng háo hức, chờ đợi khi mặt trời gần đứng bóng để được đón ngọn gió nồm. Đây là loại gió thường xuất hiện ở xứ Quảng vào độ đầu hạ, thổi từ hướng đông - nam về phía thượng nguồn, mang theo hơi nước mát rượi. Nếu ai để ý sẽ thấy từ sáng đến trưa, trời đổ nắng như thiêu như đốt, cây cối trong vườn im phăng phắc thì chừng 12 giờ trưa, từng đợt gió lùa về xào xạc lũy tre, làm cho những giọt mồ hôi đang nhễ nhại bỗng chốc ráo khoảnh. Mỗi khi đón từng cơn gió nồm, tôi chợt nhớ nữ sĩ tài hoa Hồ Xuân Hương: “Mùa hè hây hẩy gió nồm đông/ thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng…”.

Gió nồm đã làm vơi dịu bớt nóng nực, như là lời ru miên man của làn điệu đồng quê dân dã dẫn dắt con người vùi giấc ngủ trưa sau buổi cày bừa, đồng áng mệt nhọc. Mùa hè ở quê bao người lớn tuổi thèm ngọn gió nồm như thèm bát nước chè xanh, còn trẻ thơ mỗi khi thấy nồm về là háo hức, chộn rộn như ếch gặp mưa rào, để được leo trèo cây cối trong vườn bắt ve. Có lẽ nồm đông - nam là thứ đặc sản của thiên nhiên ban tặng cho những người dân quanh năm nhọc nhằn, lam lũ của xứ Quảng quê mình. Họ ngóng trông, chờ đợi nồm giữa ban trưa gay gắt ùa về mới quây quần bên mâm cơm để được ngon miệng, bởi  “Gió nồm là gió nồm nam/ trách người quân tử ăn tham chẳng mời” (ca dao). Từ không khí ràn rạt oi nồng, khi có gió nồm thổi thì quả thật mát mẻ, khoan khoái, dễ chịu vô cùng. Cái cảm giác mê ly ấy đã làm cho đến quân tử cũng chẳng còn biết giữ ý tứ, lịch lãm gì nữa đã đủ cho chúng ta thấy cái quý giá của nồm trong mùa nắng nóng.

Tôi còn nhớ thuở nhỏ ở quê, mỗi khi nồm về không chỉ để được làm bạn với ve sầu, với bọ rầy mốc, rầy đỏ, để được thả con diều giấy tự tay mình làm trong ráng chiều giữa cánh đồng hun hút gió mà còn được thưởng thức món cá chuồn mẹ ép nén gấp khúc chiên mặn với dầu phụng hoặc kho trộn với mít non. “Ai về nhắn với bạn nguồn/mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Câu hát có từ ngàn xưa, chất chứa hàm ý về sự “đối lưu” vốn gắn kết chặt chẽ đầy thân tình giữa người miền biển với miền ngược thông qua một món ẩm thực truyền thống như không thể thiếu nhau, đó là về nghĩa bóng, còn mít non kho với cá chuồn thì bao giờ cũng hấp dẫn, thơm ngon, đủ sức mời mọc và làm xiêu lòng bao người khó tính ăn uống. Mùa hè nào tôi cũng về quê thấy cây mít sần sùi, già nua sau vườn nhà mẹ có rất nhiều “thế hệ” quả như chín, già và non. Tôi thường đùa với đám bạn là cây mít này biết “làm công tác quy hoạch cán bộ”, đã làm cho mấy anh bạn bật cười nghiêng ngả. Tôi thầm nghĩ những trái mít non đang lủng lẳng kia chắc  đợi nồm về  nên không chịu… chín?

Nồm thường rong ruổi về làng quê từ độ quá trưa một chút cho đến lúc xế chiều rồi không gian lại lặng gió. Nồm theo nắng về suốt mùa hè với cá chuồn, mít non rồi lại im lìm, lặng lẽ ra đi biền biệt khi tiết trời bắt đầu se lạnh. Ngày trước ở quê tôi, một vùng ven dòng sông Thu Bồn rười rượi trong xanh, mỗi mùa nồm về đâu chỉ xua đi khí trời nắng nóng khắc nghiệt mà nồm còn là sức đẩy cho những chuyến thuyền ăm ắp hàng hóa, củ quả… của thương buôn vận chuyển lên vùng Hòn Kẽm - Đá Dừng, lên Tý, Sé, Dùi Chiêng thăm thẳm, xa xăm. Hàng hóa họ chất sẵn dưới thuyền rồi chờ nồm xào xạc từng cơn thì mới dựng buồm để ngược dòng sông Thu. Nồm nhè nhẹ vỗ về, ru từng con sóng ì oạp mạn thuyền, nồm làm căng phồng những cánh buồm nâu từ phía xa xa, làm cho dòng sông chiều bàng bạc thêm lung linh, rực rỡ như một bức tranh kỳ vĩ. Những cánh buồm ngày ấy bây giờ không còn nữa, bởi các tiểu thương ngược nguồn bằng các chuyến ca nô gắn động cơ bành bạch, song các chủ thuyền vẫn thích rời bến vào xế trưa để được nồm đồng hành, mơn trớn, vuốt ve.

Nồm về từ đầu mùa, mang theo cá chuồn của biển khơi xa xôi lên các vùng trung du, miền núi nhưng nồm lại “lấy” đi mùa cá mòi của dòng sông Thu, một loài cá thường xuất hiện nhiều nhất ở đoạn từ Giao Thủy trở về phía thượng lưu, thứ đặc sản của bà con vùng tây Quảng Nam, là nguồn thu nhập chính của những người dân vạn chài mỗi độ diễn ra lễ hội tín ngưỡng dân gian đặc sắc Bà Thu Bồn. Dẫu vẫn biết quy luật xoay vần của tự nhiên là như vậy, vẫn thương con cá mòi gầy guộc của xứ sở, quê hương nhưng trong sâu thẳm ai cũng muốn gọi nồm về…!

THÁI MỸ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nồm về!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO