(VHQN) - Hằng năm, sau Tết Nguyên đán, đồng bào vùng cao tổ chức hội làng cúng thần rừng, thần nước. Tập tục văn hóa này là nét đẹp trong đời sống tín ngưỡng, hướng đến sự “kết nối” giữa thần linh với con người…
Xin phép Giàng… mở cửa rừng
Trải qua hàng nghìn năm sinh tồn, người Cơ Tu vẫn giữ được tục “mở cửa rừng” trong cộng đồng làng. Đây được xem là bước đầu tiên để “xin phép” Giàng (thần linh) đồng ý cho con dân khai hoang, phát nương làm rẫy.
Già làng Bh’ling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) nói, từ thuở “khai thiên lập địa”, người Cơ Tu đã biết dựa cuộc sống vào rừng và xem rừng là nguồn sống không thể thiếu trong cuộc sinh tồn.
Đúc kết quan niệm sau bao đời định cư, đồng bào Cơ Tu tin vào thần rừng, vào sự chở che, bảo bọc của các vị thần. Vì thế, “xin phép” thần linh trước khi động vào rừng tự nhiên là điều luôn được cộng đồng làng coi trọng.
“Người Cơ Tu quan niệm, vạn vật sống trên trái đất này đều tồn tại bởi các vị thần, từ thần sông, thần nước, thần rừng… Do vậy, để nhận được sự bảo hộ từ các vị thần, con người cần phải làm lễ cúng để xin, để cầu mong mọi điều tốt đẹp” - già Hạnh chia sẻ.
Cái hay của tục cúng rừng, ngoài cầu xin các thần ban phước cho những mùa rẫy tốt tươi, cuộc sống dân làng no đủ, còn mang ý nghĩa giáo dục nhân văn rất cao trong đời sống cộng đồng. Già làng Clâu Blao (thôn Voòng, xã Tr’Hy, Tây Giang) kể rằng ông ra sức ủng hộ khi chính quyền địa phương khôi phục lễ “khai năm tạ ơn rừng” vào nhiều năm trước.
Xem đó là giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, già Blao vận động người dân, đặc biệt là các già làng, người có uy tín cùng tham gia, xây dựng kế hoạch khôi phục nét văn hóa đặc sắc vốn đã dần bị mai một.
Theo già Blao, thông thường, nghi thức cúng thần rừng được thực hiện trong phạm vi gia đình, dòng tộc hoặc cả một cộng đồng làng ở thời điểm vừa bước sang năm mới, sau vụ mùa thu hoạch nương rẫy và sắp sửa cho vụ mùa tiếp theo. Do vậy, quy mô lễ cúng sẽ phụ thuộc và tương ứng với điều kiện của chủ nhà hoặc cộng đồng làng thời điểm đó.
“Cúng thần rừng là cách mà người Cơ Tu xin phép “mở cửa rừng” nhằm tạ ơn thần linh đã phù trợ cuộc sống. Đây cũng là dịp để người Cơ Tu giáo dục con cháu trong việc giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn sự xâm hại đến rừng già, rừng đầu nguồn và các con sông, con suối” - già Blao nói.
Cho dòng nước mát trong
Khác với người Cơ Tu, tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc Xê Đăng, Ca Dong ở Nam Trà My có phần nghiêng về… nguồn nước. Không thua kém tết mùa của người Bh’noong ở Phước Sơn hay lễ tạ ơn rừng của người Cơ Tu, tết máng nước (Clang Đhac - theo tiếng Ca Dong) biểu thị về một phong tục độc đáo, coi trọng mạch nguồn của sự sống - nước trời. Người Ca Dong, Xê Đăng xem đó như một cái tết quan trọng với đủ đầy lễ hội truyền thống và các nghi thức cúng tế thần linh.
Già làng Trần Khải Hành (ở làng Cheng Tông, thôn 1, xã Trà Cang, Nam Trà My) chia sẻ, tết máng nước của người Ca Dong thường được tổ chức vào những ngày đầu năm mới, sau khi kết thúc lễ hội đâm trâu huê.
Theo quan niệm của người Ca Dong, mùa xuân, nguồn nước từ các mạch rừng đang thời kỳ trong mát, đủ đầy nên việc tổ chức cúng máng nước sẽ mang lại nhiều niềm may cho dân làng.
“Trước khi diễn ra lễ cúng, cộng đồng người Ca Dong thường dựng một cây nêu ở trung tâm làng để mời gọi thần linh về chứng giám. Đồng thời tổ chức phát dọn lối đi sạch sẽ dọc khu vực dòng suối - nơi được chọn để lấy nước về làng. Nguồn nước được đưa về, tuyệt đối không nằm trong những khu rừng ma và phải từ trong cánh rừng già nơi thượng nguồn cao nhất” - già Hành kể.
Ông Nguyễn Hoàng Thọ - Giám đốc Trung tâm VH-TT & TT-TH huyện Nam Trà My cho biết, quy trình chuẩn bị lễ cúng máng nước, đồng bào Ca Dong thường mang 1 con heo cùng 2 con gà trống đến tận điểm lấy nước để cắt tiết. Khi tiết hòa chảy vào dòng nước, các già làng sẽ đọc bài cúng hàm nghĩa xin thần núi, thần rừng ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, sống đoàn kết như những cây rừng, dòng nước.
“Sau khi thực hiện nghi lễ tế thần, từng gia đình dùng ống nứa rừng múc nguồn nước dưới suối đã được hòa với tiết gà, heo mang về nhà nhóm bếp nấu cơm. Các thanh niên trong làng đặt ống dẫn nước xuống khe suối để đưa nước về làng.
Khi nguồn nước về tới máng của làng nằm cạnh cây nêu, già làng tiếp tục cắt tiết 1 con gà nữa để tạ ơn thần linh đã cho nước về với dân làng. Thanh niên đứng vây quanh cây nêu cùng nhau hú reo để thần núi về chứng kiến nguồn nước mới” - ông Thọ cho biết thêm.
Xem tục cúng máng nước như một dịp tết truyền thống, nhiều ngày sau khi nguồn nước được dẫn về, dân làng người Ca Dong, Xê Đăng tổ chức tiệc ăn mừng. Nhiều ngày sau đó, cộng đồng đến thăm nhà, chúc phúc cho từng gia đình; họ cùng nhau vui múa trống chiêng, cùng uống chung ghè rượu, mừng dòng nước mát trong đã về tận làng.