Tôi ví họ - những cán bộ trẻ ở vùng cao như đốm lửa gươl, âm ỉ cháy. Một hành trình gian nan hệt câu chuyện người làng chắt chiu từng hạt lúa nảy mầm trên đồi núi, rồi chăm sóc, chờ ngày mùa bội thu…
Nhiệt huyết tuổi trẻ càng thôi thúc họ làm thêm nhiều điều mới mẻ cho cộng đồng, với những dự án mang đầy ý tưởng sáng tạo. Đó có thể là một sản phẩm heo đen nhưng đa dạng cách chế biến, tiêu thụ ra thị trường; một câu chuyện khởi nghiệp với nỗ lực đưa cam bản địa vực dậy, kết nối du lịch xanh trở thành thương hiệu của vùng cao đến với du khách…
Nhân Tháng thanh niên, nói về những người trẻ bản lĩnh vùng cao, để lan tỏa tinh thần dám nghĩ, dám làm, phát huy vai trò xung kích góp phần xây dựng quê hương.
Dự án cho cộng đồng
Trước tết, Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang nhắn tôi, sẽ tổ chức một cuộc giới thiệu heo đen tại TP.Tam Kỳ và ngỏ ý mời tham gia sự kiện. Tôi đồng ý ngay, bởi ý tưởng đó rất ít người nghĩ đến.
Lâu nay, sản vật địa phương miền núi, đa số chỉ được giới thiệu ở… núi. Về đồng bằng thăm dò thị trường, chừng như cũng “chưa từng thấy” - như lời chia sẻ của anh cán bộ một tổ chức phi chính phủ đang thực hiện dự án giảm nghèo tại miền núi.
Sự kiện diễn ra đúng 3 ngày sau đó. Từ Nam Giang, Bùi Thế Anh dẫn đoàn xuống Tam Kỳ, chuẩn bị đủ đầy mọi thứ, từ không gian giới thiệu, mua sắm ẩm thực, cho đến cuộc gặp mặt để nghe các chuyên gia tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và ký kết phối hợp giữa hợp tác xã chăn nuôi heo đen địa phương với các đơn vị cung ứng tiêu thụ sản phẩm…
Ai cũng ngỡ ngàng khi chứng kiến một đội hình Cơ Tu mặc sắc phục truyền thống, vừa chế biến ẩm thực đặc trưng của quê xứ, vừa giới thiệu các công đoạn trình diễn với khách. Hình ảnh đó, rất hiếm xuất hiện ở phố.
Không dừng ở việc giới thiệu, lần trước tôi lên Nam Giang, nghe Bùi Thế Anh khoe đang xúc tiến phối hợp với các đơn vị cung ứng mở rộng đưa sản phẩm heo đen ra thị trường. Chính xác là ký gửi tại các siêu thị, nhà hàng, dịch vụ ăn uống…
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, các lò mổ thuộc hợp tác xã heo đen tại Nam Giang cam kết thực hiện công đoạn chế biến đảm bảo theo lối truyền thống, heo thịt được tuyển chọn khắt khe tại các điểm chăn nuôi địa phương; tuyệt đối không vì lợi ích kinh tế mà làm xấu đi thương hiệu vốn có.
“Ngoài người chăn nuôi lâu năm, một số bạn trẻ cũng đang tích cực chuyển hướng chăn nuôi mới, quyết tâm làm giàu từ mô hình heo đen bản địa. Một tín hiệu rất đáng mừng” - anh Bùi Thế Anh tâm sự.
Ấp ủ trong dự định của Bí thư Huyện đoàn trẻ nhất tỉnh này (Bùi Thế Anh sinh năm 1990 - PV) là chương trình hội chợ mua sắm, giới thiệu đặc sản heo đen kết hợp ẩm thực truyền thống và các sản vật khác của vùng như muối rang rây, ớt xiêm, tiêu rừng…
Để chuẩn bị kỹ hơn cho dự định sắp tới, mới đây, Bùi Thế Anh cùng vài cộng sự đã ngược núi sang các tỉnh lân cận ở Tây Nguyên để tìm hiểu mô hình chăn nuôi, các sản phẩm chế biến ẩm thực truyền thống và đặc biệt là cách thức quảng bá, giới thiệu thu hút du lịch tại xứ sở của loài hoa dã quỳ.
Hơn 10 năm gắn bó công tác Đoàn, Bùi Thế Anh nói, anh cảm thấy mình rất có duyên với phong trào thanh niên, đặc biệt là phong trào hỗ trợ thanh niên miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp.
Từ những ý tưởng của mình, Thế Anh linh hoạt phối hợp triển khai hàng chục mô hình ý nghĩa hướng về người khó khăn. Tiêu biểu như các đợt vận động xây nhà tình nghĩa, bể nước sinh hoạt; khuyến khích thanh niên hỗ trợ người nghèo… đem lại hiệu quả thiết thực.
Những năm gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, anh góp mặt ở rất nhiều sự kiện, cùng vận động, tuyên truyền nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Bởi thế, tôi không bất ngờ khi Bùi Thế Anh được xướng tên tại phiên bế mạc Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và trở thành một trong số Huyện ủy viên trẻ nhất của miền núi.
Năm 2019, Bùi Thế Anh vinh dự nhận được Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn và bằng khen Thanh niên miền núi tiêu biểu của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam năm 2020.
Cán bộ Đoàn tiên phong
“Làm công tác Đoàn là cả quá trình tâm huyết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để đến đích thành công. Đó không chỉ để cho riêng mình, mà còn cho nhiều người khác nữa, cùng biến ước mơ trở thành hiện thực, từ bây giờ” - Riah Dung, một chàng trai Cơ Tu giàu ý chí và khát vọng chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình khiến nhiều người cảm phục.
Đầu năm 2020, khi dự án “Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang” được triển khai, Riah Dung càng cho thấy khả năng “nói đi đôi với làm”, trở thành người tiên phong cho rất nhiều thanh niên địa phương “xóa rào” tâm lý lo ngại trong khởi nghiệp.
Gần 10ha diện tích trồng cam được mở rộng kết hợp với chăn nuôi chuồng trại, đào ao thả cá… đang dần tiếp lửa để Riah Dung mạnh dạn hơn với khát vọng hướng đến du lịch xanh ở núi.
Và lợi thế hơn nữa, là sau nhiều năm làm công tác thanh niên ở huyện, đầu năm 2021, Riah Dung được bổ nhiệm Bí thư xã Đoàn Ga Ry, kết nối thanh niên địa phương cùng tham gia khởi nghiệp.
Riah Dung nói với tôi, đích đến cuối cùng của dự án này chính là phát triển du lịch sinh thái từ cây cam bản địa Ga Ry. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội rất lớn để anh đưa thương hiệu cam Ga Ry ra thị trường, đồng thời nhân rộng mô hình, tạo sinh kế cho cộng đồng địa phương. Nhưng, rào cản lớn nhất với anh, ngoài khó khăn địa hình, thiên tai liên tiếp, còn là nguồn vốn để đầu tư dự án một cách bài bản.
“Du khách sẽ đến đây nếu như đường sá đi lại thuận lợi, mô hình du lịch sinh thái của mình đủ hấp dẫn. Nhưng trước mắt, mình sẽ tận dụng cơ hội đang có, để biến những ấp ủ lâu nay thành hiện thực” - Riah Dung chia sẻ.
Như một cách để tự cổ vũ mình, thời gian qua, Riah Dung tìm cách kết nối với các đơn vị lữ hành và duy trì mối liên hệ với du khách, góp thêm một mảng màu tươi mới như đốm lửa nhen nhóm ở rừng.
Bí thư Huyện đoàn Tây Giang - Cơlâu Hoài nói với tôi, ở địa phương, Riah Dung được biết đến là một cán bộ đoàn trẻ, năng động. Bên cạnh câu chuyện khởi nghiệp, Riah Dung là gương mặt không thể thiếu tại các chương trình văn hóa - nghệ thuật, đảm nhiệm rất nhiều vai trò, từ người dẫn chương trình, ca sĩ cho đến… quản trò trong hoạt động của đoàn.
Riah Dung từng góp mặt vào vòng bán kết chương trình “Solo cùng bolero” do Đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp tổ chức vào năm 2019.
“Vừa rồi, khi xã Ga Ry bùng phát dịch bệnh, cùng với các lực lượng khác, Riah Dung vừa vận động tuyên truyền và tham gia các hoạt động thiện nguyện tại chỗ, vừa kết nối với các nhà hảo tâm chia sẻ khó khăn cho cộng đồng. Với Riah Dung, công việc nào anh cũng đều xông xáo” - anh Cơlâu Hoài nói.
Miệt mài với công việc tập hợp thanh niên, những cán bộ trẻ vùng cao như Bùi Thế Anh, Riah Dung và nhiều gương mặt khác nữa, đang ngày càng góp thêm sức trẻ cho phát triển cộng đồng. Họ tạo dấu ấn bằng niềm tin và sự kỳ vọng ở một đội ngũ cán bộ kế cận đầy nhiệt huyết và tận tâm với quê hương, với cộng đồng miền núi, sau này…