Giữa bạt ngàn chè xanh cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng), cô giáo Trần Thu Hường hát cho khách nghe một ca khúc viết về quê hương Quảng Nam của mình, có tựa đề “Tôi yêu quê tôi”. Tên bài hát cũng mộc mạc, giản đơn như miền quê Quế Sơn đầy kỷ niệm gắn bó với một người con xa xứ. “Tôi yêu quê tôi, trưa hè tiếng võng mẹ ru.../ Nón cời thương nhau che mưa nắng”.
Cô giáo Trần Thu Hường với chiếc nón cời quê hương. Ảnh: P.P.Q |
Tìm hiểu thêm, khách càng ngạc nhiên khi biết cô giáo dạy nhạc Trường THCS Nguyễn Du, huyện Di Linh là hội viên Hội nhạc sĩ Việt Nam, nữ nhạc sĩ duy nhất của Hội văn học nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng. Cô từng là tác giả kiêm ca sĩ thể hiện khá nhiều ca khúc, nhất là những ca khúc viết về quê hương Quảng Nam thân yêu, như: Ru mẹ, Nắm khoai chà ngày ấy, Nón cời, Hỏi nắng đi mô... Lắng theo giọng ca trầm ấm, chiếc nón cời Quảng Nam hiện lên với những ca từ đẹp. “Nón cời dãi nắng che bờ vai nghiêng.../ Gió Lào thổi mái tranh xưa. Nón cời che mảnh trăng nghiêng”.
Chúng tôi tưởng tượng ra một chiếc nón lá đẹp mộng mơ cỡ nón bài thơ ở Huế hay nón lá Ba Đồn của Quảng Bình, thì cô giáo Hường cười tươi thanh minh: “Không phải vậy mô! Nón cời là chiếc nón lá đã cũ mèm, bung vành, xổ lá. Lẽ ra đem vứt đi thì các mẹ, các chị quê em vẫn tận dụng đội đi làm đồng, đi chăn trâu, cắt cỏ”. Vậy thì đã rõ, một đức tính cần kiệm, tần tảo của phụ nữ xứ Quảng hiển hiện trên chiếc nón cời. Nón mới thì để đi chợ, đi đám tiệc, đi chơi. Nón cời thì dãi dầu mưa nắng trên đồng ruộng, nương bãi.
Nhắc tới nón cời, cô giáo Hường lại nhớ tới Quế Hiệp, nơi chôn nhau, cắt rốn của mình. Vùng đất bán sơn địa xưa kia đầy gian khó, đường đất gập ghềnh nắng bụi, trơn trượt mưa dầm, sông chẳng có cầu, muốn đi đâu cũng khó khăn. Cũng vì vậy mà cô bé Trần Thu Hường mãi tới năm 9 tuổi mới được đi học. Là người có chí hướng nên học giỏi, chăm ngoan, mùa hè 1985, được đi dự trại hè Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc ở TP.Hồ Chí Minh, cô thiếu nữ ngày ấy mới thấy cuộc sống quê mình còn nghèo nàn, thiếu thốn đủ bề. Càng thấy thương quê hơn và mong muốn đem sức mình cống hiến. Sau mấy năm vừa học vừa tranh thủ lên rừng kiếm củi lấy tiền mua gạo, đêm đông lạnh đói, ăn nắm khoai chà cho ấm bụng, mải mê bên đèn sách. Năm 1993, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Đà Nẵng, cô về dạy học tại trường tiểu học Quế Châu quê mẹ.
Những tưởng sẽ gắn bó với quê hương suốt cuộc đời, vậy mà mấy năm sau, khi đã có gia đình, vì hoàn cảnh mà cô lại theo chồng lên lập nghiệp tại vùng cao nguyên Di Linh, Lâm Đồng. Là giáo viên nhưng yêu âm nhạc, cô có giọng hát trời phú ngọt ngào, lại thêm năng khiếu về sáng tác, nên tới Di Linh dạy học được một thời gian, cô quyết tâm thi vào trường Đại học sư phạm Hà Nội học chuyên ngành âm nhạc. Về lại Di Linh với một nhiệt tình và năng lực mới, cô giáo Thu Hường dạy môn nhạc ở Trường THCS Nguyễn Du cho đến nay. Mang hồn vía quê hương từ những cơn gió Lào nắng khét, cánh đồng vàng mặn mồ hôi mẹ, luống khoai in dáng cha “chân đất, lưng trần”, cô gái ấy đã gặt hái từ thành công này tới thành công khác. Thu Hường vừa dạy học, vừa mở lớp dạy đàn piano, vừa sáng tác âm nhạc. Từ giải nhất cuộc thi đàn hát piano năm 2012 của Bộ GD-ĐT đến giải thưởng của Hội nhạc sĩ Việt Nam cho ca khúc viết về thiếu nhi “Vầng trăng cánh võng” năm 2014, giờ đây những ca khúc và giọng hát của cô giáo Trần Thu Hường đã được nhiều người hâm mộ. Nhiều bài hát mang đậm âm hưởng dân ca ba miền tạo ấn tượng mới cho thính giả, với những giai điệu ca ngợi quê hương, đất nước, tôn vinh người thầy giáo, người chiến sĩ bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Trao đổi với nhạc sĩ Dương Toàn Thiên (Chi hội NSVN tỉnh Lâm Đồng) anh cho biết. nhà giáo kiêm nhạc sĩ Trần Thu Hường là một người tận tâm với nghề, có nhiều tìm tòi sáng tạo trong công việc. Năm 2013, cô đạt giải C với tác phẩm “Đà Lạt trong tôi” viết cho piano, nhân cuộc thi sáng tác nghệ thuật chào mừng 120 năm thành phố Đà Lạt. Một điều đáng trân trọng, là trong ngôi nhà khang trang của cô trên quê hương mới, lúc nào cũng hiện diện một chiếc nón cời của quê hương Quảng Nam, như bóng dáng người mẹ già tảo tần đi theo che chở cô trên suốt đường đời.
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ