Nồng ấm cột mốc biên cương

VINH ANH 10/02/2013 14:50

Năm 2012, tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông đã hoàn toàn được phân định. Mỗi cột mốc được dựng lên, là biết bao giọt mồ hôi đổ xuống và ngày càng thêm ấm tình đoàn kết của hai đội cắm mốc…

1.Cột mốc 727, 728 thuộc xã Đắc Pring (Nam Giang) bước vào giai đoạn xây dựng từ mùa mưa năm ngoái. Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, tôi theo đoàn công tác của Bộ đội Biên phòng tỉnh vào điểm mốc. Ròng rã gần 2 ngày đi bộ, cắt rừng, vượt suối, đoàn công tác mới đến điểm chuẩn bị xây dựng cột mốc. Mưa rả rích không ngừng, càng về  chiều cái lạnh biên giới càng khắc nghiệt.

Gần chỗ chuẩn bị dựng cột mốc, lán của 2 đội liên hợp cắm mốc của bạn và ta đặt cạnh nhau. Mới 4 giờ chiều, trời đã tối mờ. Trong các căn lán,  bếp bắt đầu đỏ lửa chuẩn bị bữa tối. Đội của ta nấu cơm, còn phía bạn “hông” xôi. Nu Xẻng, kỹ thuật viên đội Lào vừa thổi bếp lửa vừa bảo: “Xôi là món ăn truyền thống của chúng tôi. Trong những hoàn cảnh thiếu thốn khi đi rừng dài ngày, món xôi rất tiện lợi, vừa no lâu lại lành bụng”. Trời bắt đầu tối, bữa cơm ăn của hai đội cắm mốc diễn ra trong chốc lát. Bên nào có thức ăn đều mang ra chia sẻ. Giữa rừng, bữa cơm chiều đầy ắp tiếng cười, không còn chỗ cho khoảng cách địa lý, ngôn ngữ mà chỉ có tình anh em, đồng chí. Tối đến, bên bếp lửa đỏ hồng, họ quây quần sưởi ấm và hỏi han nhau về gia đình, cuộc sống…

2. Thượng tá Lê Hữu Hoàng - Đội trưởng đội Liên hợp cắm mốc tỉnh Quảng Nam nhận nhiệm vụ từ tháng 3.2011, khi đó tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông mới chỉ hoàn thành được 21/60 cột mốc. Nhiệm vụ mới nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng Thượng tá Hoàng cùng anh em trong đội kết hợp, sát cánh với bạn Lào để kịp hoàn thành 60 cột mốc. Đường biên giới  Quảng Nam - Sê Kông nằm trong những khu vực có địa hình cách trở, được xem là đường biên khó khăn nhất trong số các tỉnh giáp với Lào. Cho nên, chỉ có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau, những cột mốc kia mới hoàn thành được.

Cán bộ kỹ thuật 2 đội cùng đo đạc cẩn thận trước khi cắm mốc.                                       ảnh: V.A
Cán bộ kỹ thuật 2 đội cùng đo đạc cẩn thận trước khi cắm mốc. ảnh: V.A

Hơn 1 năm gắn bó với những cột mốc biên giới, Thượng tá Lê Hữu Hoàng không thể nào quên những tình cảm quý báu giữa hai đội. Ông kể, có lần đang hành quân giữa rừng, không may đội bạn có người giẫm phải mảnh bom. Ngay lập tức, quân y của ta đến sơ cứu, băng bó vết thương và cử người mang ba lô, dìu bạn Lào tiếp tục hành quân. Hay những lúc giữa rừng gặp mưa bất chợt, những người lính cùng “chia” nhau từng miếng bạt che, có khi bẻ đôi miếng lương khô lúc đói. Nửa đêm đang ngủ, lũ đầu nguồn đổ về cuốn trôi đồ đạc của bạn, bộ đội ta cũng xuống giúp. Những lần nghỉ lại chỗ bằng phẳng, cả ta và đội bạn dùng chung một lán, tối đến ngủ chung chăn. Phía bạn có nhiều người rất giỏi bắt cá, phía ta lại sở trường nấu canh chua, nên đã có những bữa cơm chung ngon lành và cảm động…

Nhiều lần hành quân đến điểm mốc, do đường xa nên bộ đội ta phải nghỉ lại ở những bản làng của nước bạn Lào. “Như lần lên cột mốc 705, trời tối phải nghỉ lại bản Tăng Noong (huyện Kà Lừm), vừa đến bản chúng tôi đã được bà con đón tiếp rất nồng hậu. Tối đến, bên bếp lửa, bộ đội và dân làng ngồi xung quanh, chuyền tay nhau những ly rượu. Bộ đội hỏi thăm sức khỏe, kinh tế của bà con, hướng dẫn cho bà con cách trồng lúa nước. Bà con có thứ gì trong nhà cũng mang ra biếu” – Thượng tá Lê Hữu Hoàng nhớ lại

Vừa tròn 3 năm 3 tháng, kể từ lúc cột mốc đầu tiên 717 (tháng 6.2009) đến cột mốc cuối cùng 704 hoàn thành (tháng 9.2012). Tuyến biên giới Quảng Nam - Sê Kông đã phân định, nhưng có một thứ không bao giờ “chia cách” được: tình nghĩa quân dân hai nước Việt - Lào.

VINH ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nồng ấm cột mốc biên cương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO