Tuy không cùng làm báo ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, nhưng duyên nợ thế nào ấy, mấy chục năm qua, hội thảo báo Đảng khu vực này không mấy khi tôi vắng mặt. Bây giờ, khi làm công tác hội nhà báo chuyên trách, tôi càng có điều kiện tham dự đầy đủ các hội thảo báo Đảng. Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ II (vòng IV) do Báo Quảng Nam đăng cai với chủ đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”. Trước hội thảo, Tổng Biên tập Báo Quảng Nam - Lê Văn Nhi điện thoại hẹn tôi sắp xếp thời gian về Quảng Nam hội ngộ cùng đồng nghiệp.
Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại Đăk Nông. |
HỘI và THẢO - cuộc hội ngộ đồng nghiệp báo chí ân tình! Quảng Nam giàu tiềm năng du lịch, quê hương của 2 di sản văn hóa thế giới: phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn; Quảng Nam nằm trên trục hành lang đông - tây, rất gần với các thắng cảnh du lịch Đà Nẵng, cố đô Huế… (phía bắc), Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… (phía nam). Liên kết du lịch giữa các địa phương còn yếu, “liên kết tuyên truyền du lịch” giữa các phương tiện truyền thông đại chúng trong khu vực làm chưa được bao nhiêu. Chủ đề hội thảo lần này, do Báo Quảng Nam khởi xướng thật có ý nghĩa.
Bên sông Hàn 7 năm trước
Đến Quảng Nam lần này, tôi chợt nhớ cuộc hội thảo 7 năm trước, do Báo Đà Nẵng - người anh em cùng cội nguồn với Báo Quảng Nam đăng cai tổ chức. Ngày 24.4.2007, anh Ngô Quy Nhơn (Sáu Nhơn), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng điện thoại cho tôi từ sông Hàn: “Anh hứa rồi đấy nhé, không đi Đà Nẵng dự hội thảo là nghỉ chơi đấy. Sau cuộc này, tôi nghỉ hưu!”.
Từ chối bạn bè không đặng. Ngày 25.4, tôi bỏ 2 cuộc họp ở Hà Nội, đáp máy bay vào Đà Nẵng. Đồng nghiệp thân thương thành phố sông Hàn đón từ sân bay; tôi đến ngay phòng họp. Hội thảo khai mạc trước đó nửa giờ. Đúng là cả HỘI và THẢO, vui thật vui. HỘI để thêm đậm đà tình đồng nghiệp. Có người đã yêu, nên vợ nên chồng từ những cuộc hội thảo này. THẢO thật bổ ích, truyền kinh nghiệm cho nhau, học hỏi lẫn nhau - mỗi kỳ THẢO là một chủ đề nghiệp vụ.
Đêm giã bạn, mấy trăm nhà báo tề tựu bên bờ sông Hàn. Đà Nẵng về đêm, sông Hàn lung linh huyền diệu. Sáu Nhơn và nhiều đồng nghiệp đệm đàn ghi-ta, ca hát: Một chiều anh Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt)/ Telephon cho Ngô Quy Nhơn/ Anh dặn rằng; Thời kinh tế nhiều thành phần/ Mà báo chí một thành phần… đừng lẫn lộn Nhơn ơi! …
Bài hát vui - tếu táo Ngô Quy Nhơn “nhại lời” theo nhạc bài “Lời người ra đi” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Thời ấy có đồng nghiệp nói vui bài hát đó là “Hội thảo ca”. Tại một cuộc hội thảo ở Báo Quảng Bình, Bộ trưởng Trần Hoàn, không hề giận mà còn đệm đàn ghi-ta để Sáu Nhơn và đồng nghiệp hát “Một chiều anh Sáu Dân…”. Vui đáo để! Nghỉ hưu đã 7 năm, nhưng hình ảnh Sáu Nhơn vẫn in dấu sâu đậm trong tâm khảm đồng nghiệp khu vực - một Tổng Biên tập chịu chơi, nghĩa tình.
Buôn Mê Thuột...
Sáu tháng sau, ngày 25.10.2007, tôi có mặt ở Buôn Mê Thuột dự hội thảo báo Đảng khu vực, do Báo Đắc Lắc đăng cai tổ chức, bàn về một chủ đề mới: Tuyên truyền cho thương hiệu Việt; Người Việt dùng hàng Việt. Tại hội thảo này, lần đầu tiên báo Đảng khu vực tổ chức thành công giải báo chí về chủ đề “Thương hiệu Việt”, diễn ra đúng dịp Festival Cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể. Khen cho báo chủ nhà, Tổng Biên tập Trương Minh Thắng khéo sắp đặt. Có đồng nghiệp chưa “khoái” Trương Minh Thắng, cho rằng anh ít “nhậu”, không sôi nổi như Sáu Nhơn ở sông Hàn. Ở đời, mỗi người một tâm tính, cân đong đo đếm sao được, cốt là ở cái nghĩa, cái tình. Đúng là Trương Minh Thắng kỵ với bia rượu, bởi cơ địa anh… chỉ một “vại” là “gục”. Qua thử thách mới biết bạn hiền. Tổng Biên tập Trương Minh Thắng ăn ở có trước, có sau. Được lắm. Anh là Tổng Biên tập “khởi xướng” việc mời các bô lão - cựu trào làng báo Đảng tham dự hội thảo. Cuộc hội thảo lần thứ XI (vòng III) lúc đó, anh chủ động mời các nhà báo Nguyễn Ngọc (Khánh Hòa), Tô Phương (Phú Yên), Ngô Quy Nhơn (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Nhị (Đăk Lăk)… Cuộc hội ngộ trẻ già - các thế hệ ngày ấy diễn ra chu đáo, nồng ấm. Khách hội thảo du ngoạn bản Đôn - du lịch cưỡi voi, chiêm nghiệm con sông chảy ngược Sê-rê-pôk. Bản Đôn - hai tiếng ấy vọng về gần gũi, thân thương - lạ lắm!
Anh Trương Minh Thắng làm báo từ năm 1976, lúc vừa tròn 19 tuổi. Ba mươi bảy năm “hóa thân” cùng tờ báo, Báo Đăk Lăk không ngừng đổi mới, phát triển. Năm 2012, Tổng biên tập được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đầu năm 2013, Trương Minh Thắng bước vào tuổi 56, tổ chức thông báo sẽ điều động anh nhận nhiệm vụ mới. Nguyện vọng của anh là được tiếp tục làm báo thêm 3 năm nữa, cho đến ngày nghỉ hưu. Nhưng nguyện vọng đó không được chấp nhận. Anh viết đơn xin nghỉ công tác tại cơ quan Báo Đăk Lăk, theo các quy định của Nhà nước. Ngày 17.6.2013, Trương Minh Thắng nhận dược quyết định thôi nhiệm vụ tổng biên tập từ đầu tháng 7.2013. Anh chỉ có 2 tuần bàn giao công việc, nói lời tạm biệt với các cộng sự, chia tay bạn bè, đồng nghiệp. Có mặt tại hội thảo báo Đảng ở Quảng Nam lần này, với Trương Minh Thắng là hội thảo cuối cùng tham dự trong tư cách tổng biên tập. Anh gửi tặng đại biểu dự hội thảo 150 đĩa nhạc - phổ thơ anh, món quà nghĩa tình của một Tổng Biên tập say nghề, yêu thơ, yêu nhạc - tấm lòng với bè bạn xa gần.
Và Tuy Hòa
Với chủ đề “Báo Đảng góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương”, cuối tháng 12.2012, tại khách sạn Long Beach (TP.Tuy Hòa), Báo Phú Yên đăng cai hội thảo báo Đảng khu vực lần thứ nhất (vòng IV). Tổng Biên tập Phạm Ngọc Phi nhận đăng cai cuộc hội thảo này khi bước vào tuổi lục tuần, với ngầm ý chia tay bè bạn, trước khi “hạ cánh”. Tiếp nối nhiệm vụ của “bô lão” Tô Phương ngần ấy năm, đời nghề Phạm Ngọc Phi trải qua nhiều sóng gió. Anh bị kiểm điểm, nhắc nhở, nhận án kỷ luật, do đăng thơ “Nếu không muốn đi hết con đường” của Nguyễn Phong Việt và một số sơ suất khác. Tại hội thảo, truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng “nóng” lên trên diễn đàn. Báo Phú Yên đăng lại truyện ngắn Bóng anh hùng, nhiều ý kiến phản hồi, kẻ khen, người chê, thậm chí chê gay gắt. Đúng và sai bao giờ cũng có chuẩn mực, được phân định rõ ràng. Cảm thụ văn học giữa sách và báo còn khoảng trống vô hình. Làm báo địa phương quả là cũng có cái khó riêng của nó?
Đêm giã bạn, Phạm Ngọc Phi cùng tôi và đồng nghiệp nhâm nhi ly cà phê trên bãi biển Tuy Hòa. Mắt anh như nhòa đi. Chúng tôi siết chặt tay nhau, đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu bao trăn trở đời và nghề. Phạm Ngọc Phi xúc động: “Thế là được, tôi đã làm việc hết mình, cống hiến hết mình, sống hết mình, chẳng có gì ân hận!...”.
*
* *
Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên không chỉ có ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Đăk Lăk, Phú Yên như vừa nêu. Chỉ một bài viết ngắn, kể sao hết bao kỷ niệm của những ngày hội thảo, những đêm giã bạn hát hò thâu đêm ở Đà Lạt, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Pleiku, Kon Tum… Mười chín báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, 19 gương mặt báo chí đổi mới. Mỗi báo một cách đăng cai, nhưng hội thảo nào cũng rất ấn tượng cả 2 phần HỘI và THẢO. Đến hẹn lại lên, 6 tháng một lần tụ hội. Đâu đấy, có ý kiến cho rằng các cuộc hội thảo kiểu này gây tốn kém, ít hiệu quả. Tôi thuộc trường phái hoan nghênh hội thảo, tâm phục, khẩu phục các báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên. Không có các cuộc HỘI và THẢO thì báo chí địa phương chịu khép kín ư? Báo tỉnh nào chỉ biết tỉnh đó, không có cơ hội giao lưu, học hỏi. Không có HỘI và THẢO thì làm sao có được những bài học nghiệp vụ sâu sắc có thể tổng kết, những “báo ca”, “hội thảo ca”, những cuộc tình nhân văn, rất đời, rất nghiệp; những cuộc hành quân xuyên Việt vào Nam ra Bắc, dọc dải đất miền Trung khí hậu khắc nghiệt, nhiều nắng gió, nhưng rất ấm tình.
Các báo Đảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sau lần hội thảo ở An Giang là ngừng, khó khăn quá! Các báo Đảng miền Đông Nam Bộ hội và thảo không đều, năm có, năm không. Mới đây Báo Đồng Nai khởi động trở lại hoạt động giao lưu, nhân kỷ niệm 88 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Bổ ích, thiết thực, hiệu quả, vui thật vui. Đó là điều mà các hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã, đang hướng tới.
PHẠM QUỐC TOÀN