Nóng bỏng nạn khai thác cát trái phép

NAM VIỆT 20/03/2017 08:33

Việc khai thác cát bừa bãi, bất hợp pháp diễn ra khá nghiêm trọng tại nhiều quốc gia, gây ô nhiễm môi trường và làm cạn kiệt nguồn tài nguyên.

Vào thời điểm này, Fey Wei Dong - một thương lái có tiếng, đang rất bận rộn trong công việc kinh doanh của mình ngay tại hồ nước ngọt Poyang lớn nhất ở Trung Quốc, nằm ở tỉnh Giang Tây. Poyang được biết đến là thiên đường của rất nhiều loài chim di trú và động vật quý hiếm khác. Fey Wei Dong cho biết, ông kiếm lời trung bình 180 nghìn USD mỗi năm nhờ vào việc mua bán cát được hàng trăm người dân địa phương khai thác ở lòng hồ Poyang. Mặt hàng này được Fey Wei Dong vận chuyển đổ về Thượng Hải để bán lại cho các chủ thầu xây dựng. Một thống kê gần đây cho thấy, khoảng 336 triệu mét khối cát được nạo vét đưa ra khỏi hồ Poyang mỗi năm và ước tính mỗi giờ Poyang bị mất đi 10.000 tấn cát. Poyang trở thành một mỏ cát lớn nhất hành tinh. Nhà địa lý học David Shankman của Đại học Alabama (Mỹ) cho hay, không thể tin được khi làm phép tính về nạn khai thác cát tại Poyang.

Nạn khai thác cát bất hợp pháp dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Ảnh minh họa, nguồn: internet
Nạn khai thác cát bất hợp pháp dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Ảnh minh họa, nguồn: internet

Gia tăng dân số và bùng nổ đô thị hóa là nguyên nhân làm gia tăng lượng cát được khai thác trên toàn cầu. Theo tờ Guardian (Anh), khoảng 48 tỷ mét khối cát được sử dụng chỉ riêng trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới mỗi năm, tuy nhiên 70% trong tổng số cát được khai thác thông qua các hoạt động bất hợp pháp. Thống kê cho thấy, doanh thu bán cát hợp pháp toàn cầu ước tính lên đến 70 tỷ USD/năm và có đến ít nhất 15 tỷ tấn cát lậu được bán với giá hàng tỷ USD. Do đó, nguồn lợi này rất hấp dẫn trong lĩnh vực khai thác cát. Thế nhưng, việc khai thác cát bừa bãi, quá mức không những gây tác động xấu đến môi trường sống, làm cạn kiệt nguồn tài nguyên cát, làm khô cạn nguồn nước ở sông hồ, hủy diệt cuộc sống của nhiều loài động vật, mà cuộc sống của không ít người dân địa phương bị đảo lộn. Ở nhiều nơi, việc khai thác cát trái phép làm hư hại nhiều công trình, góp phần dẫn đến sụp đổ nhiều cây cầu trên sông và gây thiệt hại tính mạng. Vụ sụp cầu ở Đài Loan vào năm 2000, một năm sau đó sụp cầu ở Bồ Đào Nha khi một xe buýt chạy ngang qua, khiến 70 người thiệt mạng, mà hoạt động khai thác cát trái phép là một trong những nguyên nhân.

“Tôi đánh bắt cá ở Poyang đã 30 năm rồi và số lượng cá ở đây ngày một ít hơn”-  Tan Jung Hwa, một người dân địa phương cho biết. Không những lòng sông, biển và nhiều khu diện tích đất canh tác cũng bị ảnh hưởng xấu do khai thác cát bừa bãi. Giáo sư Ed Thornton tại California (Mỹ) nói, việc khai thác cát quá mức càng làm cho nhiều vùng biển tại California vốn nổi tiếng thế giới đã bị xòi mòn nghiêm trọng. Nhiều nhà hoạt động môi trường thế giới kêu gọi các chính phủ cần quyết liệt hành động để kiểm soát và ngăn chặn việc khai thác cát bất hợp pháp hoành hành ở nhiều nơi. Trong nỗ lực đó, Kenya cho biết các cơ quan chức năng đã đóng cửa các hoạt động khai thác cát ở khu vực sông trong bối cảnh thảm họa môi trường do hoạt động gây ra rất rõ rệt, từ hệ thống sinh thái, dòng chảy, động vật và cuộc sống con người. Singapore là một trong những quốc gia nhập khẩu cát lớn nhất thế giới, chủ yếu cho hoạt động xây dựng. Nhưng đến nay, các quốc gia xuất khẩu cát nhiều đến đảo quốc sư tử như Campuchia, Indonesia và Malaysia đã từng giới hạn hoặc cấm xuất khẩu cát sang Singapore để hạn chế tình trạng khai thác cát quá mức, gây ô nhiễm môi trường.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nóng bỏng nạn khai thác cát trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO