(QNO) - Tình trạng quá nhiều xã nông thôn mới (NTM) bị “rớt hạng”, chất lượng NTM giảm sút, phá rừng gia tăng, hàng giả không kiểm soát nổi và thiếu điện, nhất là địa bàn miền núi... là những vấn đề được tranh biện nhiều nhất tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh diễn ra chiều nay 8/12.
Nhiều câu hỏi khó
Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Viết Tích “lãnh ấn tiên phong” đăng đàn trả lời chất vấn.
Theo ông Tích, cuối năm 2021, có 118 xã đạt chuẩn NTM (60,8%) thì nay đã có 97 xã “rớt tiêu chí” mới. Chất lượng xây dựng NTM trong năm 2021 – 2022 tạm thời giảm do bộ tiêu chí mới tăng thêm, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí mới được quy định cần có thời gian thực hiện. Các tiêu chí “cứng” cần nguồn lực đầu tư thì các địa phương đã dự nguồn trong trung hạn để thi công trong thời gian đến.
Tình trạng phá rừng vẫn xảy ra chưa kịp thời ngăn chặn và xử lý. Diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại do phá rừng trái phép năm 2022 tăng 57.542m2 so năm 2021.
Ông Tích nói một số diện tích bị phá, lấn chiếm thuộc rừng phục hồi sau nương rẫy (24%) thuộc nương rẫy cũ của dân, nhưng thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và sản xuất, khi người dân canh tác trở lại dẫn đến vi phạm.
Một vấn đề khác cũng nhận nhiều ý kiến là việc chồng lấn đất quy hoạch lâm nghiệp với đất sản xuất của người dân. Đây là vấn đề khó xử lý trên thực tế. Ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục cập nhật, rà soát, bóc tách diện tích đất sản xuất, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp của người dân và các công trình, dự án có ảnh hướng đất lâm nghiệp ra khỏi quy hoạch.
Chưa hết, chính sách cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng con vật nuôi “bế tắc” trong chuyện giải ngân. Chỉ riêng Tiên Phước giải ngân gần 83%, còn các huyện dự phần vào chính sách này không giải ngân được đồng nào!
Lời biện giải của ông Phạm Viết Tích không làm đại biểu thỏa mãn. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra.
Đại biểu Đinh Văn Hươm nói có giải pháp gì thực sự căn cơ để có thể đạt 95% số xã nâng chuẩn theo bộ tiêu chí mới vào năm 2023 và nâng cao thu nhập hộ nghèo vào năm 2024. Bao giờ sẽ được thực hiện? Dân phải chờ đến bao giờ mới có thể cắm mốc 3 loại rừng, cấp giấy chứng nhận khi không biết bao giờ quy hoạch lâm nghiệp mới được phê duyệt?
Đại biểu Lê Thị Minh Tâm đề nghị lý giải nguyên nhân tỷ lệ giải ngân thấp theo Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh. Dựa vào đâu để có thể giải ngân từ 60 - 100%?
Đại biểu Đặng Tấn Phương cật vấn nếu đất dân chồng lấn đất rừng quy hoạch thì phương án bảo vệ đời sống, sinh kế và tài sản người dân sẽ được xử lý như thế nào? Không thể chậm trễ.
Đại biểu Trần Thị Bích Thu đặt câu hỏi có phải “rớt hạng” tạm thời vì tiêu chuẩn mới, nhưng nếu dựa vào tiêu chí cũ thì NTM có suy giảm hay không, nhất là thu nhập người dân miền núi?
Những câu hỏi không dễ trả lời. Ông Phạm Viết Tích nói báo cáo bằng văn bản sẽ cụ thể hơn. Không còn cách nào khác, muốn giảm nghèo bền vững người dân miền núi buộc phải lồng ghép các chương trình hỗ trợ, tăng cường truyền thông để dân thấu hiểu và tăng nguồn đầu tư cho miền núi.
Ông Tích quả quyết không thể đóng mốc khi quy hoạch chưa được phê duyệt. Ngành sẽ tiếp tục đề nghị rà soát, đo vẽ đất sản xuất dân chồng lấn, bóc tách để đưa ra khỏi quy hoạch, tiến tới đền bù, cấp đất sản xuất cho dân.
Riêng kinh tế trang trại vô cùng khó khăn trong thủ tục giải ngân dù đã có hướng dẫn nhưng dân rất khó thực hiện để được hỗ trợ. Tuy nhiên, sau khi tổng hợp dữ liệu từ các ngành, địa phương về các dự án triển khai thì cuối năm 2023 sẽ giải ngân xong vốn theo chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi.
Ông Tích nói trách nhiệm thuộc về ai để các tình trạng yếu kém này xảy ra rất khó phân tích. Đại biểu quy trách nhiệm cho ai đó thì quy vì không thể trả lời xác đáng hết được, không biết trả lời như thế nào?
Hàng giả khó kiểm soát nổi
Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương thừa nhận việc quản lý đầu tư, phát triển mạng lưới, tăng tỷ lệ sử dụng điện lưới, nhất là khu vực miền núi đang thiếu hụt là chuyện đã xảy ra.
Khi dự án lưới điện hoàn thành thì sẽ nâng tổng số hộ dân có điện lên 99,69%.
Sự thiếu hụt này do tiến độ bàn giao tài sản các công trình điện được đầu tư bằng nguồn nhà nước cho ngành điện quản lý còn chậm. Các quy định áp dụng, thực hiện còn nhiều vướng mắc chưa được cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi. Các hộ dân không có khả năng cấp điện bằng nguồn lưới điện quốc gia, thì việc đầu tư bằng nguồn tái tạo, không nối lưới gặp rất nhiều bất cập trong việc quản lý, vận hành, bảo trì sau này.
Nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu điện ở miền núi đã thường xuyên xảy ra. Đại biểu Nguyễn Đình Tiên nói có giải pháp gì để cấp điện cho Nam Trà My, cho miền núi và đóng điện các khu tái định cư mới xây dựng xong?
Ông Dự nói tiến độ các dự án bị kéo dài vì chuyển đổi chủ đầu tư, một số cán bộ lâu năm đã thôi việc. Nam Trà My thiếu điện, cúp điện trở thành “đặc sản” là do lịch sử vì điện từng cấp từ Trường Xuân (Tam Kỳ) lên nên yếu. Sắp đến sẽ tốt hơn.
Riêng câu hỏi về các khu tái định cư sạt lở nhiều năm chưa được cấp điện thì ngành công thương chưa có thông tin và cũng chưa ai phản ánh. Trách nhiệm không chỉ thuộc về chủ đầu tư lẫn chính quyền cấp huyện.
Chuyện hàng giả, kém chất lượng, thương mại điện tử cũng đặt lên bàn nghị sự.
Đại biểu Đặng Thị Lệ Thủy, Đinh Nguyên Vũ hỏi làm sao có thể kiểm soát được hàng giả, hàng kém chất lượng? Có chế tài gì hay không thay vì chỉ xử lý hành chính sẽ không giải quyết được tình trạng này.
Đại biểu Đặng Tấn Phương hỏi có cách gì để bảo vệ người tiêu dùng khỏi mắc bẫy khi mua hàng qua mạng?
Trả lời, ông Đặng Bá Dự thừa nhận ngành công thương đã rất tích cực kiểm soát nhưng kết quả chưa mong muốn.
Ngành đang nhân rộng các chợ an toàn thực phẩm, trang bị thiết bị đối chứng, tái lập hội bảo vệ người tiêu dùng, từ tỉnh đến xã phường. Còn thương mại điện tử là xu thế. Thể chế kinh tế không theo kịp hiện thực. Đây cũng là vấn đề nhức nhối nhưng khó giải quyết.
Hiện ngành đã xây dựng nền tảng sản phẩm Quảng Nam để người mua nhận biết hàng chuẩn, tăng cường thanh tra, kiểm soát thông qua phối hợp với quản lý thị trường.
Vấn đề quan trọng nhất, không còn cách nào khác là tuyên truyền, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, loại bỏ hàng kém chất lượng, hàng giả ra khỏi đời sống (kể cả thương mại điện tử).