Nông dân Bangladesh hồi sinh trang trại nổi

KIM OANH 22/10/2022 10:38

(QNO) - Bangladesh là quốc gia chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng kết hợp với bão, lũ lụt và xói mòn. Nông dân tại đây đã hồi sinh trang trại nổi để ứng phó biến đổi khí hậu.

Trang trại nổi tại Bangladesh ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: westend61
Trang trại nổi tại Bangladesh ứng phó biến đổi khí hậu. Ảnh: Westend61

Ông Mohammad Mostafa - một nông dân ở vùng đồng bằng trũng phía tây nam Bangladesh hồi sinh phương thức canh tác nông nghiệp của tổ tiên. Đó là trồng hoa màu trên bè nổi vì nước biển dâng và bão lũ đe dọa ngày càng nhiều đất canh tác.

Với tình trạng ngập úng kéo dài luôn gây ra thiệt hại hoa màu, nhiều hộ nông dân như Mohammad Mostafa chuyển sang sử dụng bè làm giàn an toàn để ươm cây, trồng các loại rau và trái cây như dưa chuột, củ cải, bí ngô, đu đủ và cà chua.

Những chiếc bè đan bằng thân cây lục bình thực sự là cứu cánh cho các gia đình trong mùa gió mùa ngày càng khắc nghiệt khi đất đai canh tác ngày càng khan hiếm.

"Khi tôi còn bé, khu vực này là đất khô. Chúng tôi thường chơi trên cánh đồng và trồng lúa. Nhưng rồi nước dâng ở cả biển và sông, nước bắt đầu tích tụ ở đây. Vì vậy, chúng tôi không thể trồng trọt được nữa. Tôi canh tác trên luống nổi này suốt 5 năm qua, trồng các loại rau khác nhau" - ông Mohammad Mostafa nói.

Riêng tại quận Pirojpur, trang trại nổi hiện có tổng diện tích 157ha, bao gồm 120ha ở khu vực Nazirpur đã mở rộng từ 80ha cách đây 5 năm.

Ông Digbijoy Hazra - một quan chức nông nghiệp ở Nazirpur cho biết: "Trang trại nổi đòi hỏi ít không gian hơn so với canh tác thông thường, đặc biệt không cần thuốc trừ sâu. Trang trại nổi có thể là một mô hình để ứng phó với trái đất nóng lên".

Kỹ thuật 200 năm tuổi ban đầu được nông dân Bangladesh trong vùng áp dụng trong mùa nước nổi, thường kéo dài khoảng 5 tháng mỗi năm.

Nhưng ngày nay, khu vực này vẫn ở dưới nước trong 8 đến 10 tháng và nhiều vùng đất bị ngập nặng nề hơn.

Theo các chuyên gia, Bangladesh có thể mất hơn 1/10 đất đai do mực nước biển dâng trong hai thập kỷ trong khi 1/4 trong tổng số 165 triệu người Bangladesh sống ở vùng ven biển.

Nông dân Mohammad Mostafa cho biết, nhờ trang trại nổi mà ông có thể xuất cây giống đều đặn, năng suất cao và có thể tự nuôi sống gia đình mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ nào.

Số lượng trang trại nổi tăng lên nhiều đến mức chính quyền địa phương cho biết đang hỗ trợ nông dân để họ có thể trồng cây giống chất lượng, đảm bảo sản lượng tốt hơn.

[VIDEO] - Trang trại nổi tại Bangladesh. (Nguồn: YouTube):

Từ năm 2000 đến 2019, Bangladesh được xếp hạng thứ 7 trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu - theo chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu năm 2021 của tổ chức phi lợi nhuận Germanwatch. 

Bangladesh cũng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các cơn lốc xoáy từ vịnh Bengal trong khi hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến lượng mưa ngày càng thất thường.

Báo cáo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, nước biển dâng cao và xói mòn bờ biển có thể khiến Bangladesh mất 17% diện tích đất liền và 30% sản lượng lương thực vào năm 2050.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Bangladesh hồi sinh trang trại nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO