Nông dân Bình Chánh sản xuất giỏi

GIANG BIÊN - MINH TÂN 06/06/2019 15:12

Thời gian qua, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở xã Bình Chánh (Thăng Bình) đã thực sự lan tỏa mạnh mẽ. Những mô hình làm ăn cũ đan xen với những mô hình kinh tế mới đã tạo nên một bức tranh nông nghiệp, nông thôn đầy sắc màu.

Ông Châu Sanh hái những quả cam trong vườn của mình. Ảnh: BIÊN TÂN
Ông Châu Sanh hái những quả cam trong vườn của mình. Ảnh: BIÊN TÂN

Mạnh dạn chuyển đổi

Thời gian qua, ông Võ Trung Năng (cùng thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) chọn phát triển kinh tế với mô hình làm nấm rơm. Vụ đông xuân 2018 - 2019 vừa qua, ông Năng đầu tư trên 150 triệu đồng để mua nguyên liệu rơm.

Ông Năng chia sẻ: “Mỗi năm tôi phải mua hai lần nguyên liệu như vậy mới đủ để làm nấm cho cả năm; chỉ tính tiền mua nguyên liệu mất khoảng 300 triệu đồng. Hiện nay, thị trường nấm rơm đa dạng hơn, có bao nhiêu đều được thương lái thu mua. Hiện nay tôi không lo về đầu ra, chỉ sợ thiếu hụt nguyên liệu rơm làm nấm. Vì vậy, khi nghe ở đâu bán rơm tôi đều thu mua dự trữ”.

Dám nghĩ dám làm, ông Châu Sanh (thôn Mỹ Trà) chú trọng phát triển kinh tế vườn. Từ một mẫu đất ruộng của gia đình, ông Sanh đã đổi dần với những hộ dân xung quanh nhà để có được mô hình trồng cây ăn quả như bây giờ với bưởi da xanh, cam sành, mận và cả trồng cây con như cây dổi... Theo ông 10 năm nữa, loại cây dổi này sẽ cho hạt với giá bán khoảng 1 triệu đồng/kg; còn thân cây thì được làm gỗ.

Ông Châu Sanh cho biết: “Nếu lúc trước không mạnh dạn đổi đất ruộng để lấy đất vườn của các hộ khác thì không có được mô hình vườn như bây giờ. Bởi hiện nay nếu nhẩm tính, mô hình vườn cây ăn trái cho thu nhập 1 năm khoảng 50 triệu đồng thì khỏe hơn làm việc khác”.

Nhiều trợ lực

Thương hiệu bún phở khô Thành Mỹ do ông Huỳnh Văn Mỹ (thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) làm chủ xuất hiện ngày càng nhiều không chỉ ở khu vực Thăng Bình, mà vươn xa khắp cả nước.

Ông Huỳnh Văn Mỹ cho hay: “Thương hiệu này có được nhờ hội tụ nhiều yếu tố. Trong đó với tôi, chủ trương của cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội đoàn thể trong việc tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích đầu tư trong sản xuất kinh doanh là yếu tố quan trọng nhất. Bởi cái nghề ăn nên làm ra hiện nay là nhờ vào việc đào tạo nghề đúng đắn của cấp trên”.

Năm 2008, ông Mỹ cùng với 14 hội viên khác của huyện Thăng Bình được đào tạo học nghề làm bún phở khô và đi học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Bắc. Sau nửa tháng học nghề, ông Mỹ tiếp tục đến các tỉnh phía Bắc để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm chuẩn bị khởi nghiệp. May mắn vào thời gian này, ông Mỹ được UBND xã Bình Chánh hỗ trợ vay vốn và Phòng Kinh tế hạ tầng huyện hỗ trợ 10 triệu đồng để mua máy móc sản xuất. Tháng 6.2008, cơ sở bún phở khô Thành Mỹ có mặt trên thị trường. Hiện tại cơ sở của ông Mỹ mỗi tháng xuất đi khoảng 20 tấn bún khô, tương đương với việc tiêu thụ khoảng 20 tấn gạo.

Theo ông Lê Đức Mật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Chánh, nông dân Bình Chánh giờ đây đã thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất để giảm công và sức lao động.

“Đồng hành cùng với các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, trong giai đoạn 2014 - 2019, Hội Nông dân xã đã tổ chức 15 lớp học nghề với 1.200 học viên nông dân theo học. Cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội Nông dân xã Bình Chánh đã đứng ra tín chấp cho 141 hộ vay với số tiền 4,3 tỷ đồng, quỹ hỗ trợ nông dân xã cho 20 hộ nông dân vay với gần 700 triệu đồng. Nếu năm 2014, toàn xã Bình Chánh có 91 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, thì sang năm 2019, toàn xã có 267 hộ. Đây là kết quả đáng mừng, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Mật nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Bình Chánh sản xuất giỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO