(QNO ) - Trước đây, vào cuối mùa thu hoạch thì mỗi ki lô gam đậu đen xanh lòng giá bán dao động từ 30.000 đồng - 40.000 đồng. Năm nay, từ đầu vụ thu hoạch giá của loại hạt này đã lên 50.000 đồng/kg. Đậu đen xanh lòng được giá khiến nông dân phấn khởi.
Vụ sản xuất đậu năm 2024 này, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung, ở tổ 4, thôn Tất Viên (xã Bình Phục, Thăng Bình) xuống giống 10 sào gồm đậu đỏ, đậu đen (loại xanh lòng, hạt nhỏ và loại hạt to). Do xuống giống sớm, thời tiết thuận lợi nên đến nay những diện tích trồng đậu của gia đình chị Nhung đã cho thu hoạch.
Đậu là loại quả vỏ mỏng sẽ dễ bị nứt vỏ, bong tróc hạt gây thất thoát sản lượng. Vì vậy, từ sáng sớm chị Nhung đã có mặt ở cánh đồng, khẩn trương thu hoạch đậu. Chị Nhung cho hay, trong một ngày chị thu được 6kg đậu đen xanh lòng, ngày kế tiếp đậu chín nhiều nên thu hoạch được hơn chục cân. Trước đó, gia đình chị cũng đã thu hoạch được 50kg đậu đỏ và một ít đậu đen hạt to.
Hiện tại, đậu đỏ được thương lái thu mua với giá 31.000 đồng/kg, đậu đen hạt to là 38.000 đồng/kg. Riêng đậu đen xanh lòng, hạt nhỏ có giá 50.000/kg cao hơn từ 10.000 đồng - 20.000 đồng/kg so với các năm trước.
“Năm nay thời tiết thuận lợi, đậu trồng cho trái tốt, mỗi sào ước sẽ đạt khoảng 1 tạ đậu hạt. Đậu được mùa, được gi, thu hoạch đến đâu thương lái thu mua đến đó nên nông dân phấn khởi ra đồng sớm. Gia đình tôi cũng vậy, vui hơn vì có tiền để gửi ra cho 2 đứa con đang học đại học” - chị Nguyễn Thị Nhung nói.
[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Nhung nói về năng suất vụ mùa đậu đen năm nay:
Cũng tại cánh đồng thôn Tất Viên (Bình Phục, Thăng Bình), tận dụng đất trồng kiệu, nén vừa thu hoạch, nhiều nông dân trồng đậu. Bà Nguyễn Thị Thanh ở thôn Tất Viên (Bình Phục, Thăng Bình) canh tác hơn 1 sào đậu đen xanh lòng. Với phương châm “đậu chín đến đâu thu hoạch đến đó” những ngày qua, vợ chồng bà cũng tranh thủ ra đồng hái đậu.
Bà Thanh cho biết, đậu này bà trồng trên những luống đất kiệu vừa thu hoạch xong, đất còn tơi, ít cỏ dại nên cũng ít tốn công làm đất. Việc chăm sóc cũng nhẹ vì dinh dưỡng từ vụ kiệu vẫn còn trong đất nên chi phí đầu tư phân bón thấp, trong suốt thời gian trồng đậu đến khi thu hoạch, chỉ cần một lần bón phân chuồng hoặc bón phân kali. “Trồng đậu trên đất kiệu trước đó là vừa sức với lao động lớn tuổi, đậu hái xong dễ bán, có tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày” - bà Thanh nói.
Ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục (Thăng Bình) cho biết, vụ trồng đậu này nông dân trên địa bàn xã xuống giống hơn 100ha đậu các loại và bắt đầu xuống giống từ tháng 11 âm lịch (năm trước), tùy theo chân đất. Riêng ở thôn Tất Viên thì đất cát, thuận lợi nên nông dân xuống giống sớm, nên thu hoạch cũng sớm và bán được giá, nhất là loại đậu đen xanh lòng, hạt nhỏ.
“Những diện tích trồng đậu này trước đó nông dân đã trồng kiệu hoặc nén, khi thu hoạch xong, bà con nông dân lại tiếp tục trồng đậu. Trồng đậu theo hình thức gối đầu như thế này vừa đỡ tốn phân, giảm chi phí do phân còn trong đất khi bón cho kiệu, nén trước đó; vừa giảm công chăm sóc, nên mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nông dân” - ông Phan Ngọc Bốn nói.
[VIDEO] - Nông dân xã Bình Phục (Thăng Bình) thu hoạch đậu đen: