Mô hình vườn ao chuồng với điểm nhấn là những ao cá tự nhiên của hội viên nông dân Hồ Văn Lai tại thôn 1, xã Trà Tập (Nam Trà My) đã thu hút nhiều người đến tham quan, học tập.
Khu vườn của ông Hồ Văn Lai ẩn mình giữa núi non hùng vĩ và được bao bọc bởi dòng sông Tranh hiền hòa. Khu vườn có chiếc chòi tranh nhỏ nằm cheo leo bên vách suối, có chuồng nuôi vịt, gà và ruộng lúa vàng óng, mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời khi được hòa mình vào thiên nhiên trong lành.
Ông Hồ Văn Lai cho biết, để có được mô hình này, ông đã mất nhiều năm nuôi cá thử nghiệm và đầu tư công sức để làm cầu treo, mở rộng diện tích mặt ao và trồng vườn cây ăn trái. “Ban đầu khu vực này mình chỉ trồng lúa, sau đào thêm một ao nhỏ để thả cá trê, thấy cá phát triển tốt nên mình quyết định mở rộng ao, rồi nuôi thêm gà, vịt, trồng chuối, mía để ông bà ngoại chăm sóc” - ông nói.
Là người đầu tiên của xã Trà Tập thực hiện mô hình nuôi cá để thoát nghèo bền vững, thời gian đầu, ông Lai và gia đình gặp không ít khó khăn, nhất là không có nguồn vốn, lại thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc cá.
Song nhờ có sự quan tâm kịp thời của Hội Nông dân xã, gia đình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn quỹ Hội Nông dân huyện để đầu tư, đào thêm 2 ao, mua thêm giống cá trắm cỏ, rô phi... thả nuôi.
Đến nay, bên cạnh nguồn thu hàng chục triệu đồng mỗi năm từ nuôi cá, ông còn có thêm nguồn thu từ khách tham quan, nghỉ dưỡng tại vườn. “So với làm lúa rẫy thì nuôi cá thu nhập tốt hơn rất nhiều.
Năm vừa rồi mình bán hơn 1,5 tấn cá, con lớn đến 6kg, thu về hơn 70 triệu đồng. Cũng mất chừng ấy thời gian mình làm ra được chỉ 10 bao lúa, không đủ ăn, lại không có tiền cho con đi học” - ông Lai nói thêm.
Ông Hồ Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Tập cho biết, ông Lai là người đầu tiên của xã thí điểm nuôi cá, dù địa hình miền núi không thuận lợi nhưng ông đã quyết tâm thực hiện và đến nay cho hiệu quả cao.
“Quá trình anh Lai sử dụng vốn vay từ nguồn quỹ của hội, Hội Nông dân xã luôn theo sát và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện mô hình. Đến nay chúng tôi đánh giá đây là mô hình khá thành công, thời gian tới sẽ triển khai cho các hội viên tham quan, học tập mô hình này” - ông Phong nói.
Đồng bào vùng cao Nam Trà My xưa nay vốn quen với việc nương rẫy, khó thoát được cái đói, cái nghèo. Việc xây dựng mô hình nuôi cá của ông Hồ Văn Lai đã thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm và sáng tạo trong việc thoát nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, góp phần tạo động lực để người dân phát triển những mô hình kinh tế.