Nông dân Campuchia đang kiếm tiền nhiều hơn thông qua các hợp tác xã (HTX) và canh tác hữu cơ.
Ở thị trấn Xiêm Riệp gần di sản thế giới Angkor Wat (Campuchia), một HTX nông nghiệp nằm cách địa điểm du lịch chính chỉ vài mét, dọc theo Quốc lộ 6.
Năm 2018, địa điểm này chỉ đơn thuần là một ngôi làng với các nhóm nông dân sản xuất sản phẩm rau sạch tiêu dùng, tạo sinh kế thông qua các hoạt động kinh doanh truyền thống.
Tuy nhiên, thị trường bấp bênh, sản xuất rau củ không phải lúc nào cũng đảm bảo thu nhập, đôi khi còn mất ổn định do giá cả biến động.
“Có những ngày chúng tôi có sản phẩm để bán và kiếm được lợi nhuận, có những ngày thì không” - bà Thai Soda - Phó Chủ tịch HTX nông nghiệp Sovatepheap Thomacheat (Ecofarm) có trụ sở tại quận Soutr Nikom ở Xiêm Riệp cho biết.
Năm 2019, các nhóm sản xuất quyết định cải thiện tình hình, mở rộng thị trường, phát triển bền vững thông qua việc thành lập HTX Ecofarm, cùng nhau tham gia và tiến hành kinh doanh như một nhóm có cấu trúc với sự công nhận của chính quyền sở tại.
Ecofarm đến nay có 120 thành viên sản xuất rau sạch tại 7 thôn thuộc 3 xã, 93 thành viên của HTX là phụ nữ. Bà Soda nói, lợi ích của việc thành lập HTX nông nghiệp là người dân nhận được các kỹ thuật canh tác mới và được hỗ trợ từ các dự án hợp tác.
Từ cách kinh doanh tập thể này tạo ra nhiều lợi nhuận hơn. Ngoài ra HTX còn bán được sản phẩm cho các công ty tư nhân thông qua kết nối từ các dự án.
Ecofarm hiện có khả năng cung cấp khoảng 30 loại rau ăn lá cho 4 đối tác chính suốt năm. Các hoạt động kinh doanh bổ sung của Ecofarm còn bao gồm tín dụng, sản xuất hạt giống, gạo trắng an toàn và phân hữu cơ rắn.
Thu nhập của các thành viên cũng ổn định hơn do thị trường sản phẩm của HTX được đảm bảo. Ecofarm đồng thời hướng tới thúc đẩy hệ sinh thái nông nghiệp cùng các sản phẩm an toàn, bền vững.
Không chỉ tham gia HTX để cùng nhau sản xuất sản phẩm và tiêu thụ nông sản phẩm, nông dân Campuchia tăng gia canh tác nông nghiệp hữu cơ nhằm giảm thiểu thuốc trừ sâu, hóa chất, cải thiện đất, giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu...
Campuchia hiện có hơn 1.000 HTX nông nghiệp trên cả nước. Như HTX Toek Hout Mean Chey Kdey Sang Khem có tổng cộng hơn 752 gia đình thành viên, trong đó có 530 phụ nữ, phần lớn là trồng rau và chăn nuôi. HTX này cung cấp từ 2 đến 4 tấn rau xanh mỗi ngày ra thị trường, chủ yếu cho các siêu thị ở Battambang và Phnôm Pênh.
Bà Chantha - Chủ tịch HTX Toek Hout Mean Chey Kdey Sang Khem nói: “HTX của chúng tôi tập trung chủ yếu vào việc cải thiện thu nhập của nông dân. Mục tiêu của chúng tôi giúp họ kiếm được thu nhập trung bình 5.000 USD một năm”. Bà cũng tiết lộ rằng HTX có kế hoạch mở rộng số lượng thành viên lên 2.500 vào năm 2027.