Nông dân châu Á vẫn chịu nhiều thiệt thòi

KIM OANH 21/10/2014 11:00

Gần như toàn bộ lương thực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được sản xuất bởi các nhà nông canh tác với quy mô nhỏ và chính họ lại chiếm phần lớn là người nghèo khó và đói kém trong xã hội.

Viện Phát triển hải ngoại của Anh cho biết, mức thu nhập của lao động nông thôn tại châu Á đang tăng đều đặn trong nhiều năm qua, chủ yếu nhờ vào sự biến động dân số, tình trạng di dân và quá trình cơ giới hóa nông nghiệp. Ví như, tỷ lệ gia tăng thu nhập của lao động nông thôn tại Bangladesh là 45% (tính từ năm 2005 đến 2010), tại Ấn Độ là 35% (tính từ năm 2005 đến 2012), tại Trung Quốc là 92% (tính từ năm 2003 đến 2007). Xu hướng tương tự cũng được ghi nhận tại Indonesia, Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. Nhờ đó, hàng triệu nông dân được thoát nghèo. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng này không phải tuyệt đối khi thu nhập tăng cao thì cũng là lúc các chi phí sản xuất nông nghiệp cũng đội lên song hành. Tỷ lệ nghèo đói ở khu vực vẫn ở mức cao.  

nông dân Myanmar trên cánh đồng lúa.
nông dân Myanmar trên cánh đồng lúa.

Trong buổi lễ trao giải thưởng của tổ chức Lương Nông (FAO) Liên hiệp quốc vùng châu Á - Thái Bình Dương dành cho những nông dân với công lao và sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp gia đình vừa diễn ra tại Thái Lan, FAO cho biết, hơn 600 triệu người nghèo đói tại khu vực chủ yếu tập trung vùng nông thôn trong khi nông nghiệp là kế sinh nhai chính của họ. “Thỉnh thoảng chúng ta mới cần tới bác sĩ hay luật sư, nhưng chúng ta cần tới nông dân ba lần mỗi ngày” - bà Estrella Penunia, Tổng Thư ký Hiệp hội nông dân châu Á nói. Theo ước tính của FAO, sản lượng lương thực toàn cầu cần phải tăng thêm ít nhất là 60% vào năm 2050 để có thể nuôi ăn cho 9 tỷ người của thế giới - trong đó dựa vào không nhỏ sản lượng lương thực của nông dân khu vực vùng châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Penunia giải thích, nông dân khu vực tiếp tục gánh chịu thiệt thòi, nghèo khổ bởi quyền đất đai không được bảo đảm, đất đai bị các công ty tư nhân chiếm đoạt, không có hạt giống tốt với giá phải chăng, khó tiếp cận nguồn vốn, giá thành đầu vào ở mức cao và hệ thống đường sá không tốt khiến cho việc đưa nông sản ra thị trường trở nên khó khăn. Hơn nữa, những người trẻ tuổi vùng nông thôn không theo đuổi nghề nông mà tìm kiếm những công việc có lương cao hơn ở thành thị. Vì vậy, trong bài diễn văn đọc tại lễ trao giải của FAO, công chúa Chakri Sirindhorn của Thái Lan nói: “Phải ưu tiên đầu tư ở các khu vực nông thôn để cho những người trẻ muốn ở lại và nhận lãnh trách nhiệm nuôi ăn cho nhiều người với một phuơng thức bền vững”.

5 nhà nông của khu vực được nhận giải của FAO lần này là ông Kim Nhạc Phẩm (Trung Quốc) nhờ vào sản xuất thực phẩm “xanh”, bà Popatlal Navandar, người dạy cách canh tác hữu cơ cho phụ nữ ở Ấn Độ, bà Ruth Yvette Hone (New Zealand) và ông Patphong Mongkolkarnchanakhoon (Thái Lan), là những người dùng khí đốt sinh học từ phân heo để sản xuất điện dùng trong nhà và nông trại của mình.
Vào tháng 9.2014, Việt Nam đã giành được 3 giải thưởng trong đó có một giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” về đột biến tạo giống do Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và FAO trao tặng với sáng kiến phục vụ cho việc bảo đảm an ninh lương thực.

KIM OANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân châu Á vẫn chịu nhiều thiệt thòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO