Nhiều hội viên nông dân ở xã Duy Thu (Duy Xuyên) mạnh dạn đầu tư phát triển đa dạng mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.
Trước đây, kinh tế của gia đình ông Trần Hồng Quân ở thôn Phú Đa 1 (xã Duy Thu) chủ yếu dựa vào những sào ruộng lúa và chăn nuôi bò. Tuy nhiên, đất canh tác chua phèn lại thường xuyên thiếu hụt nguồn nước tưới, nhất là vào vụ hè thu nên năng suất lúa đạt không cao.
Cách đây 3 năm, ông Quân tích cực học hỏi kinh nghiệm trồng sen của các hộ dân lân cận, đồng thời tự nghiên cứu về kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch hại. Từ đó, ông Quân đầu tư cải tạo diện tích đất ruộng kém hiệu quả chuyển sang trồng sen chuyên canh. Nhờ áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật nên bình quân mỗi mùa 8 sào sen cho năng suất khoảng 1,3 - 1,6 tấn hạt. Với giá bán 30 nghìn đồng/kg hạt sen, mỗi vụ ông Quân thu về 39 - 48 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Mặt khác, ông còn kết hợp giữa trồng sen và nuôi cá nhằm tăng thêm thu nhập.
Còn ông Nguyễn Tánh ở thôn Thạnh Xuyên cho hay, nhờ nỗ lực khai hoang, cải tạo đất vườn tạp và gò đồi, đến nay gia đình ông đã trồng được 20ha keo lai nguyên liệu, 1.000 choái tiêu. Cùng với đó, ông Tánh đầu tư trồng sen kết hợp với nuôi cá nước ngọt và chăn nuôi 15 con dê, 10 con bò. Ngoài ra, 3 năm gần đây, ông trồng thêm các loại cây ăn quả như dừa xiêm, bưởi da xanh, quýt...
“Để mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng mang lại hiệu quả cao, thời gian qua tôi không ngừng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng bài bản các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thực tế cho thấy, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, bình quân mỗi năm tôi lãi ròng hơn 200 triệu đồng từ mô hình này” - ông Tánh chia sẻ.
Không riêng 2 hộ dân vừa nêu, thời gian qua nhiều hội viên nông dân khác ở xã Duy Thu cũng mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế của địa phương. Đơn cử như mô hình chăn nuôi gia súc tập trung từ 5 - 10 con trâu, bò của các hộ Trần Văn Cư, Nguyễn Trường Hải, Phan Văn Ngát hay mô hình trồng tiêu chuyên canh với diện tích lớn của các ông Nguyễn Ngọc Ân, Võ Phú, Lê Phước Thể…
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thu cho hay, để tiếp sức cho nhà nông, đơn vị thường xuyên phối hợp với ngành chuyên môn mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, tổ chức tham quan học hỏi mô hình hay, cách làm sáng tạo. Cạnh đó, từ nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh, địa phương tạo điều kiện cho một số hộ dân vay 400 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài ra, xây dựng các chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm liên kết hỗ trợ nhau trong sản xuất.
“Qua kết quả bình xét, tỷ lệ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở xã Duy Thu mỗi năm tăng 5 - 10%. Đến cuối năm 2018, toàn xã có 13 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 63 hộ cấp huyện và 219 cấp xã. Hầu hết hội viên nông dân nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương” - ông Sáu nói.