Nông dân gìn giữ văn hóa tuồng

HỒ QUÂN 12/02/2019 08:52

(QNO) - Họ là những nông dân nhưng có niềm đam mê với nghệ thuật tuồng, và mong muốn đưa nét văn hóa truyền thống lâu đời này ngày càng gần hơn với đời sống hiện đại.

Một buổi tập tuồng của CLB hát tuồng Hiệp Hòa. Ảnh: HỒ QUÂN
Một buổi tập tuồng của CLB Hát tuồng Hiệp Hòa. Ảnh: HỒ QUÂN

Giữ gốc tuồng cổ

Những ngày đầu năm, góc sân nhà ông Văn Bá Phú ở xã Hiệp Hòa (Hiệp Đức) lại rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát của những nghệ sĩ Câu lạc bộ (CLB) Hát tuồng Hiệp Hòa. Đây là khoảng thời gian mà khá nhiều chương trình văn nghệ đầu xuân trên địa bàn huyện mời họ tham gia biểu diễn. Ông Văn Bá Phú - đạo diễn, biên kịch, diễn viên CLB Hát tuồng Hiệp Hòa cho biết, CLB chỉ mới thành lập cuối năm 2017 nhưng nhanh chóng nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của người dân.

Cũng theo ông Phú, hát tuồng không phải là môn nghệ thuật mới tại địa phương mà đã hình thành từ hàng trăm năm trước, trở thành nét văn hóa đặc trưng. Thời gian thịnh nhất của loại hình nghệ thuật này ở Hiệp Hòa là khoảng trước những năm 50 của thế kỷ XX. Thời điểm ấy, những nghệ sĩ Phạm Cửu, Phạm Tích, Lê Thị Liễu không những đưa nghệ thuật biểu diễn tuồng đi khắp vùng đất Hiệp Đức, Quế Sơn, Nông Sơn ngày nay mà họ còn là những thầy cô giáo đã đào tạo ra hàng chục lớp nghệ sĩ, diễn viên kế cận.

Trước những đêm biểu diễn, CLB thường làm cơm chay cúng tổ nghề. Hiện nhà thờ tổ nghề hát tuồng Hiệp Hòa đang đặt tại thôn 4 (xã Hiệp Hòa). Ảnh: HỒ QUÂN
Trước những đêm biểu diễn, CLB thường làm cơm chay cúng tổ nghề. Hiện nhà thờ tổ nghề hát tuồng Hiệp Hòa đặt tại thôn 4. Ảnh: HỒ QUÂN

“Sau thời gian gián đoạn do chiến tranh, bậc cha chú trong làng chúng tôi bắt đầu khôi phục lại. Thời bao cấp, giữa muôn trùng khó khăn, trang phục chỉ là những tàu lá chuối, vỏ bao xi măng và thắp sáng sân khấu bằng ngọn đèn dầu, nhưng những nghệ sĩ vẫn âm thầm đưa câu hát đi vào tâm trí bao thế hệ. Hơn hết, qua lời hát chân chất của những người nông dân, vở tuồng trở nên hấp dẫn hơn và mang một nét riêng có” - ông Phú nói.

Đến hiện tại, tuy không còn phát triển mạnh như thời điểm trước đó nhưng những “nghệ sĩ nông dân” vẫn ngày đêm âm thầm gìn giữ, phát huy nét văn hóa này. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Sinh - Chủ nhiệm CLB Hát tuồng Hiệp Hòa, bên cạnh những vở tuồng cổ như Quỳnh Hoa hoàng hậu, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn… hay những vở tuồng có nội dung lịch sử, chiến tranh như Lá cờ mặt trận, Đứa con phản nghịch, Chiến thắng Điện Biên Phủ… thì CLB còn lồng ghép vào các vở kịch tâm lý xã hội hiện đại, phản ánh đời sống giới trẻ như Nước mắt người vợ trẻ, Bát cơm chan lệ… Tất cả vở tuồng đều sử dụng lối hát nói: khách, tẫu, nam ai, nam bình, các điệu lý, lời ru, hò Quảng...

Thu hút lớp trẻ

Đằng sau vở diễn hấp dẫn và những tràn vỗ tay khen ngợi không ngớt của khán giả là tâm huyết và niềm đam mê rất lớn của 25 thành viên CLB Hát tuồng Hiệp Hòa. Dù tất bật với công chuyện đồng áng hằng ngày, nhưng bà Nguyễn Thị Thủy (42 tuổi, thôn 4, xã Hiệp Hòa) vẫn nhận kịch bản về học. Trước ngày biểu diễn, bà và mọi người phải gác lại công việc hơn nửa tháng để tham gia tập luyện.

Chuẩn bị trước giờ lên sân khấu. Ảnh: HỒ QUÂN
Chuẩn bị trước giờ lên sân khấu. Ảnh: HỒ QUÂN

“Ban ngày tôi cứ tranh thủ kẹp theo kịch bản lên rẫy, nghỉ ngơi lúc nào đọc lúc ấy, tối về cơm nước xong là tiếp tục học. Tôi vừa học, vừa hát, vừa diễn cho quen bài để tới ngày tập cho đỡ tốn thời gian chung mà lại hiệu quả. Mọi người trong gia đình cũng đam mê nên rất ủng hộ việc tôi tham gia hát tuồng” - bà Thủy cho biết.

Còn ông Trương Văn Hùng (49 tuổi, cùng thôn) chia sẻ: “Nông dân tay chân khá khô cứng nên tập luyện cho đúng từng bước đi, câu tuồng, cử chỉ rất khó khăn. Nhưng vì quá đam mê môn nghệ thuật này và nhờ sự dìu dắt nhiệt tình của các anh chị đạo diễn, biên kịch, nay tôi đã khá hơn, có thể tự tin tham gia biểu diễn” - ông Hùng nói.

Những điệu tuồng qua giọng hát chân chất của những người nông dân càng trở nên hấp dẫn hơn. Ảnh: HỒ QUÂN
Một vở diễn của CLB Hát tuồng Hiệp Hòa. Ảnh: HỒ QUÂN

Ngoài ra, gần đây CLB còn có sự tham gia của nhiều diễn viên nhí có niềm đam mê với nghệ thuật tuồng. Dù chỉ đảm nhận những vai nhỏ như tỳ nữ, công chúa nhưng em Huỳnh Thị Anh Đào (15 tuổi, thôn 4) rất vui vì cùng các cô chú giữ được nét văn hóa truyền thống của làng. “Mới tham gia được 1 năm nên em muốn nỗ lực học tập các cô các chú để sau này trở thành lớp kế cận, đưa môn nghệ thuật này trở nên gần gũi hơn với tầng lớp thanh thiếu niên” - Đào nói. Bà Nguyễn Thị Hồng Sinh thì mong muốn CLB có dịp tham gia lưu diễn ở một số vùng khác trong tỉnh, giúp anh chị em có thêm những sân chơi giao lưu, học hỏi.

HỒ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân gìn giữ văn hóa tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO