Nông dân giúp nhau làm kinh tế

TƯỜNG QUÂN 12/08/2015 10:34

Xây dựng phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế bằng những việc làm thiết thực như giúp vốn, góp công lao động, hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất…, nhiều nông dân tại TP.Tam Kỳ đã thoát nghèo bền vững.

Hội nông dân xã Tam Ngọc tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh đệm lót sinh thái cho bà con nông dân. Ảnh: T.Q
Hội nông dân xã Tam Ngọc tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh đệm lót sinh thái cho bà con nông dân. Ảnh: T.Q

Giúp vốn, góp công, hỗ trợ kinh nghiệm

Xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) là xã xây dựng nông thôn mới. Chính vì thế, hàng năm, Hội Nông dân (HND) xã đã phát động phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới với việc triển khai nhiều mô hình sản xuất và tập trung xây dựng cơ sở vật chất nông thôn. Tuy nhiên, là một xã nghèo với đa số hội viên nông dân còn nhiều khó khăn nên trong thời gian qua, HND xã cũng đã chú trọng xây dựng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội xác định, đây là một nhiệm vụ trọng tâm để giúp đỡ nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Trương Vĩnh Bá - Chủ tịch HND xã Tam Ngọc cho biết: “Khi chúng tôi triển khai phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế đến các chi hội, bà con nông dân hưởng ứng mạnh mẽ, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng. Qua đây, đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân giúp đỡ nhau hết sức thiết thực. Trong đó, có mô hình nông dân giúp vốn, góp công và hỗ trợ kinh nghiệm cho các hộ nông dân khó khăn làm kinh tế”.

Bà Đỗ Thị Cúc (thôn Đồng Hành) là một hộ nghèo của xã. Năm 2014, HND xã Tam Ngọc đã hỗ trợ cho bà các loại giống cây trồng như: cam, bưởi, tiêu (trị giá 1,5 triệu đồng) để bà trồng trên 1.000m2 đất vườn nhà mình. Bên cạnh đó, hội cũng đã vận động các hội viên và bà con lối xóm góp công sức cùng gia đình bà cải tạo vườn tạp. Đến nay, với kết quả thu được từ khu vườn, bà đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Hay như đối với bà Cao Văn Tiến (thôn Trà Lang), là một hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn, chưa có một căn nhà đàng hoàng để yên tâm sản xuất. HND xã đã hỗ trợ cho bà 4 triệu đồng tiền mặt và vận động bà con ủng hộ gần 30 ngày công cho bà sửa chữa căn nhà của mình. Sau khi thoát khỏi cảnh nhà tạm, bà đã có điều kiện hơn để làm kinh tế. Chủ trương giúp đỡ cho nông dân nghèo cũng được các chi hội nông dân các thôn hằng năm đăng ký hỗ trợ 1 - 2 hội viên thoát nghèo. Bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng địa phương, nhưng nhiều nông dân nhờ vậy đã thoát nghèo, đời sống khá hơn.

Ngoài việc góp công và hỗ trợ vốn ban đầu, HND xã Tam Ngọc cũng chú trọng việc tập huấn kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân. Tính riêng trong năm 2015, hội đã tổ chức 7 lớp tập huấn cho hơn 200 lượt nông dân. Trong đó, có các lớp tập huấn như: trồng bắp lai, trồng đậu phủ bạt, trồng tiêu, đệm lót sinh thái… “Qua các lớp tập huấn, hiệu quả kinh tế rõ rệt. Người dân đã có thể tự ủ phân một cách hiệu quả, không ảnh hưởng môi trường để chăm sóc cây trồng. Các mô hình trồng tiêu, bắp, đậu cũng tăng năng suất qua từng vụ khi bà con áp dụng khoa học kỹ thuật đã được tập huấn” - ông Trương Vĩnh Bá cho biết thêm.

Mô hình “Vườn tình thương”

Ông Dương Văn Tân - Chủ tịch HND phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, hội nông dân phường đã triển khai kế hoạch xây dựng “Vườn tình thương” để giúp đỡ 5 hộ nông dân nghèo trên địa bàn. Chương trình này không những giúp các hộ nông dân thoát nghèo trước mắt mà còn hỗ trợ cho họ phương tiện, cách thức để có thể sản xuất lâu dài”.

Nông dân đầu tiên của phường được hỗ trợ là ông Nguyễn Đạt (khối phố 6) vào năm 2011 với 40 cây chuối lùn, 30 cây đu đủ, 30 cây chanh (tổng trị giá 6 triệu đồng). Bên cạnh đó, HND phường cũng đã vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các dụng cụ tưới tiêu cho ông Đạt sản xuất. Sau một năm, ông Đạt thu được gần 20 triệu đồng qua nhiều lần thu hoạch các loại cây trồng ngắn ngày này. HND phường tiếp tục hỗ trợ cho ông trồng các loại cây lâu năm để ổn định kinh tế lâu dài như: bưởi ghép, ổi ghép, mít. Cuối năm 2012, từ một hộ nông dân khó khăn, ông đã chính thức thoát nghèo.

Những năm sau đó, hội nông dân phường tiếp tục khảo sát chọn các HND để áp dụng mô hình. Điều kiện đặt ra phải là những hộ nông dân nghèo, có đủ diện tích đất trồng và đặc biệt có tinh thần lao động, ý chí thoát nghèo. Trong quá trình thực hiện, ngoài việc tích cực hỗ trợ phân bón, kỹ thuật trồng, cán bộ HND phường cũng thường xuyên giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng của các loại cây cũng như tạo điều kiện để các hộ nông dân tiêu thụ sản phẩm ổn định.

Các hộ bà Huỳnh Thị Nữ (khối phố 1), ông Tưởng Cung (khối phố 7), là những hộ nông dân tiếp theo trên địa bàn phường được tham gia mô hình. Đến đầu năm 2015, bà Phạm Thị Hương (khối phố 3) được HND phường xây dựng “Vườn tình thương” trên 1.000m2 đất vườn nhà của bà với tổng vốn ban đầu hơn 10 triệu đồng. Có các loại cây ngắn ngày để giải quyết thu nhập trước mắt như: chuối, đu đủ nhưng cũng có những giống cây lâu năm để bà sản xuất ổn định về sau như: mít, ổi, bưởi. Bà Hương cho biết: “Gia cảnh tôi nghèo khó, lại phải nuôi em đau ốm nên không có vốn liếng gì để đầu tư sản xuất. Được hội nông dân hỗ trợ, tôi rất phấn khởi, quyết tâm thoát nghèo từ khu vườn này”.

Phong trào nông dân giúp nhau làm kinh tế thực hiện có hiệu quả tại các địa phương của TP.Tam Kỳ đã không những giúp đỡ được nhiều nông dân vươn lên thoát nghèo mà còn phát huy được sức mạnh đoàn kết trong  dân.

TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân giúp nhau làm kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO