Hôm nay 17.7, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội nghị tuyên dương nông dân điển hình tiên tiến lần thứ II và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 06 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tiếp tục xây dựng Hội Nông dân các cấp vững mạnh.
Những năm qua, thi đua sản xuất - kinh doanh (SX-KD) giỏi là một trong những phong trào mang lại hiệu quả thiết thực và có sức lan tỏa sâu rộng trong các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh. Cũng từ phong trào này, kinh tế hộ ở khu vực nông thôn được cải thiện, đời sống nông dân ngày càng được nâng cao. Đó cũng là điều kiện để các cấp hội xây dựng tổ chức vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết 06 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tại hội nghị tuyên dương và sơ kết lần này, Hội Nông dân tỉnh tôn vinh 22 tập thể và 86 cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua và công tác hội.
Nhà nông làm giàu
Chuyện hộ nông dân với thu nhập mỗi năm lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ đã không còn quá xa lạ. Nhiều người đã vươn tầm và quay lại giúp đỡ người chưa có điều kiện, để cùng nhau vươn lên làm giàu là một trong những kết quả thiết thực nhất của phong trào nông dân SX- KD giỏi. “Ngoài những kiến thức khoa học - kỹ thuật liên quan đến sản xuất nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân phối hợp tổ chức chuyển giao, bây giờ nông dân đã có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin để tự mày mò học hỏi mô hình mới, tìm hiểu những kỹ thuật mới, giống cây trồng, con vật nuôi mới ứng dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh liên kết thành lập những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã tạo cơ hội tìm được đầu ra ổn định cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp” - ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói.
Cơ giới hóa sản xuất đã giúp nông dân giải phóng sức lao động.Ảnh: N.DƯƠNG |
Cách làm giàu của nông dân hiện nay cũng rất đa dạng. Họ không còn miệt mài bám trụ với mảnh ruộng hay đồng rau màu bấp bênh. “Quan trọng là anh có dám nghĩ, dám làm hay không? Có dám thoát ra những suy nghĩ cố hữu để vươn lên làm giàu hay không. Nếu đã dám làm với sự cố gắng, có sự đầu tư, thành quả sẽ sớm được gặt hái” - nông dân Phùng Văn Thưởng, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình quả quyết. Ông Thưởng là điển hình nông dân SX- KD giỏi cấp tỉnh 5 năm liền với mô hình nuôi, ấp vịt giống, chăn nuôi tổng hợp, thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương. Tham quan trang trại, cơ ngơi của ông mới thấy những điều ông nói là hoàn toàn có cơ sở. Cũng như những nông dân khác, ông từng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bám vào những mảnh ruộng nay được mai mất. Quyết không cam chịu, ông mày mò chuyển đổi cách làm kinh tế. Ban đầu cũng vấp thất bại cay đắng, nhưng với ý chí không đầu hàng, thua keo này - bày keo khác, ông đã gặt hái thành công. “Trước đây nuôi vịt tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Nay mới thấy chạy đầy đồng, mai có thể mất trắng. Bây giờ không phải đã hết rủi ro, nhưng chúng ta có thể giảm được nếu chăn nuôi khoa học, đúng kỹ thuật” - ông Thưởng nói.
Vẫn bám trụ với mảnh ruộng, cây lúa, nhưng nông dân trẻ Đinh Thị Cẩm Vân, thôn Nhị Dinh 1, xã Điện Phước (thị xã Điện Bàn) đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng giá trị sản xuất. Chị được đánh giá là một cán bộ hội viên nông dân luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua do hội và địa phương phát động. Dù là thân nữ nhi nhưng với sự nhạy bén trước nhu cầu thực tế và dám nghĩ, dám làm, cùng với cơ chế hỗ trợ vốn, chị mạnh dạn đầu tư kinh doanh máy gặt đập liên hợp Kubota, mỗi năm lãi ròng 400 triệu đồng. “Thị xã Điện Bàn được xem là vựa lúa lớn của Quảng Nam. Sản xuất lúa hiện nay đang trong giai đoạn cơ giới hóa nên nhu cầu của thị trường không nhỏ. Nắm bắt cơ hội này, tôi mạnh dạn đầu tư kinh doanh máy gặt đập liên hợp. Vừa mang lại lợi ích cho mình vừa góp phần thực hiện chủ trương cơ giới hóa đồng ruộng” - chị Vân nói.
Nòng cốt xây dựng nông thôn mới
Tổng kết giai đoạn 2012 - 2014, toàn tỉnh đã tôn vinh 67.250 hộ đạt danh hiệu “Nông dân SX-KD giỏi” các cấp, trong đó cấp trung ương có 67 hộ, cấp tỉnh 2.254 hộ, cấp huyện 12.529 hộ, cơ sở 52.400 hộ. |
Ngay từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được phát động trên toàn tỉnh, người nông dân đã được xác định là chủ thể, nòng cốt của chương trình. “Muốn phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM, điều đầu tiên phải làm là giúp nông dân vững mạnh. Chủ thể mạnh thì phong trào mới mạnh. Đó là điều kiện tiên quyết” - ông Vũ Văn Thẩm khẳng định. Để giúp nông dân vững mạnh, những năm qua, các cấp hội đã vận động nguồn lực giúp hộ nông dân nghèo vươn lên thoát nghèo. Trong đó tập trung hỗ trợ cây, con giống, máy nông cụ, xóa nhà tạm, chuyển giao kỹ thuật, ứng dụng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho nông dân... Thực hiện tốt các hoạt động này, tiêu biểu có Hội Nông dân các địa phương Đại Lộc, Hội An, Núi Thành, Tiên Phước, Nông Sơn, Duy Xuyên...
Hưởng ứng chương trình xây dựng NTM, nhiều nông dân đã góp phần rất lớn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Điển hình như ông Nguyễn Văn Sáu, thôn An Mỹ, xã Thăng Phước (Hiệp Đức) đã tự nguyện hiến 0,5ha đất ruộng, 2 sào đất trồng các loại cây cối và hoa màu để xây dựng các công trình NTM. Hay Chi hội Nông dân thôn Lộc Tây 1 (xã Quế Lộc, Nông Sơn) đã vận động nông dân trong chi hội hiến 2.000m2 đất thổ cư, tự nguyện chặt bỏ cây lâu năm, dỡ bỏ vật kiến trúc trên đất và đóng góp 20 triệu đồng cùng gần 500 ngày công để mở rộng 2,5km tuyến giao thông nông thôn…
Được tuyên truyền, vận động một cách sâu rộng, phong trào nông dân góp sức xây dựng NTM lan tỏa đến những miền núi xa xôi, nhà nhà cùng nhau góp công, góp của để xây dựng đời sống ngày một tốt đẹp hơn. Như ở thôn 3, xã Trà Mai (Nam Trà My), ông Nguyễn Đình Cường đã hiến 800m2 đất vườn, đất ruộng để làm đường giao thông. Không những thế, ông và gia đình còn vận động bà con nông dân trong thôn tham gia hiến đất, góp công làm đường. “Lâu nay bà con cực khổ vì đường đi trắc trở, giờ được hỗ trợ mở đường, làm kiên cố, thuận lợi giao thông thì sao mình không mừng, không hiến đất. Làm là làm cho mình, cho bà con chứ có làm cho ai đâu” - ông Cường chia sẻ.
Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến vai trò của Hội Nông dân tỉnh. Bên cạnh đó, các nguồn vốn vay qua Hội Nông dân quản lý như vốn chăn nuôi bò sinh sản, Quỹ hỗ trợ nông dân, vốn 120, vốn ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội… đã giúp nông dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. “Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định phong trào thi đua Nông dân SX-KD giỏi đã và đang mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống nông dân, kinh tế nông thôn. Hội Nông dân cũng luôn xem đây là phong trào trung tâm cần phát huy hơn nữa, giúp cho nông dân có được điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế. Với các chức năng của mình, hội sẽ đẩy mạnh các phong trào, chương trình để hỗ trợ hội viên làm giàu chính đáng” - ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nói.
NGUYỄN DƯƠNG