(QNO) - Những ngày qua, nông dân huyện Núi Thành khẩn trương làm đất, chuyển phân ra đồng, chuẩn bị giống sạ cấy lúa vụ hè thụ năm 2021.
Theo kế hoạch, vụ này toàn huyện sản xuất 6.500ha cây gieo trồng hàng năm, trong đó lúa 3.400ha. Ông Trần Văn A (Trưởng bộ phận khuyến nông – khuyến lâm, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành) cho biết, vụ hè thu năm này nông dân chỉ sạ cấy những giống lúa có thời gian sinh trưởng dưới 105 ngày để thu hoạch xong trước ngày 5.9 dương lịch, chậm nhất đến ngày 10.9, tùy theo thời gian sinh trưởng của giống lúa, nông dân bố trí gieo sạ từ ngày 20.5 đến ngày 5.6 để lúa trổ từ ngày 25.7 đến ngày 10.8 dương lịch.
Vụ hè thu, huyện Núi Thành sử dụng nhóm giống chủ lực cơ cấu trên 60% diện tích, gồm các giống HT1, PC6, HN6, lúa lai TH3-3, TH3-5 có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày, gieo sạ từ 25.5 đến 5.6.2021. Những giống lúa BC15, TBR225, DDT100 có thời gian sinh trưởng từ 95 ngày đến 105 ngày gieo sạ từ ngày 20.5 đến 25.5. Nhóm giống bổ sung cơ cấu trên 30% diện tích, gồm giống DV108, KD18, Khang dân đột biến có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày gieo sạ từ ngày 20.5 đến 5.6...
Theo ông Bùi Văn Gát – Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Núi Thành, vụ hè thu năm nay, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác chuyển đổi cây trồng trên các diện tích khó tưới, cuối kênh nhằm giảm áp lực nước tưới trong vụ, tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích đất sản xuất, đặc biệt là trên đất lúa. Ngay sau khi kết thúc tưới vụ đông xuân 2020 - 2021, các đơn vị quản lý công trình thủy lợi kiểm tra và thực hiện đóng kín cửa cống tại các hồ chứa để tích nước, sửa chữa đối với các cống bị hư hỏng, rò rỉ. Tổ chức nạo vét, phát dọn kênh mương thông thoáng để chuyển tải nước đến mặt ruộng nhanh nhất và hạn chế tổn thất nước ở vụ hè thu.
“Phòng NN&PTNT huyện Núi Thành đề nghị nông dân tuân thủ lịch thời vụ, quán triệt việc sử dụng giống lúa trung và ngắn ngày để sản xuất. Ưu tiên lựa chọn giống chịu hạn, chống ngã đổ. Áp dụng gói kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” để tăng hiệu quả sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường, trong đó chú ý giảm lượng giống sản xuất, giảm lượng phân hóa học hợp lý, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới nước tiết kiệm, giảm thất thoát sau thu hoạch..." - ông Bùi Văn Gát nói.