Nông dân sản xuất giỏi ở vùng cát

LÊ BÌNH 21/04/2017 08:46

Những mô hình nuôi cá lóc, nuôi chim yến hiệu quả của nông dân ở xã Duy Hải (Duy Xuyên) đang mở ra hướng đi mới để phát triển kinh tế cho người dân nơi đây.

Năm 2006, nhận thấy mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng có giá trị kinh tế cao, được nhiều người nuôi thí điểm và thành công, ông Nguyễn Xuân Phượng (thôn An Lương) mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng số tiền dành dụm để xây dựng bể nuôi cá lóc. Ông làm 16 hồ xi măng, mỗi hồ có sức chứa hơn 2 tấn cá để thả 20.000 con giống. Sau năm đầu tiên lãi hơn 100 triệu đồng, ông tiếp tục duy trì và nâng số lượng cá nuôi.

Mô hình nuôi cá lóc đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Duy Hải. Ảnh: LÊ BÌNH
Mô hình nuôi cá lóc đang mang lại thu nhập cao cho người dân xã Duy Hải. Ảnh: LÊ BÌNH

Hiện nay, số cá lóc được nuôi tại các bể của ông lên đến 40.000 con. Chia sẻ về quá trình chăm sóc đàn cá, ông Phượng cho hay, tiền giống không cao, chỉ độ 20 nghìn đồng/kg cá nhưng tiền thức ăn cho cá ăn lại khá đắt. Với lứa cá như bây giờ (nuôi được hơn 2 tháng), tiền thức ăn cho cá hết 600 nghìn đồng/ngày, đến khi cá nuôi được 4 - 5 tháng thì tiền ăn là 4 triệu đồng/ngày. Mỗi buổi sáng, ông phải thuê 3 nhân công cùng mình chăm sóc và cho cá ăn Theo ông, cá nuôi trong vòng 5 - 6 tháng là có thể xuất bán với trọng lượng khoảng 0,5 - 1kg/con. Loại cá này rất dễ tiêu thụ nhưng gặp năm nào giá cá giảm thì coi như năm đó không có lãi. Chẳng hạn năm 2015 giá cá xuống thấp khiến ông thua lỗ hơn 150 triệu đồng. Cũng may trong năm 2016, sản lượng cá và giá cả đảm bảo nên ông có thu nhập cao. Mùa cá thu hoạch tháng 8 âm lịch vừa rồi ông xuất đi gần 12 tấn cá, với giá cá lúc đó là 47 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 300 triệu đồng.

Lão nông Phùng Lời (thôn An Lương) lại chọn cách phát triển kinh tế bằng việc nuôi chim yến ngay trong vườn nhà mình. Qua tìm hiểu trên mạng cùng việc học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, ông Lời gom góp hơn 1 tỷ đồng để xây dựng căn nhà 3 tầng và lắp đặt nhiều trang thiết bị chuyên dụng để dẫn dụ yến. Ông cho hay, năm đầu nhà yến thu hút từ 50 - 70 tổ chim, đến năm sau thì có hơn 300 tổ với hơn 300 cặp chim yến. Cứ 5 - 7 tổ cho 1 lạng yến, có khi 10 tổ mới cho được 1 lạng yến. Mỗi năm ông thu hoạch 2 kỳ vào tháng 4 và tháng 10 âm lịch. Trung bình mỗi năm nhà yến của ông thu về khoảng 8 - 10kg yến, trừ các chi phí, ước tính thu nhập hơn 100 triệu đồng. Theo ông, nuôi chim yến chỉ phải bỏ ra số vốn ban đầu chứ không tốn thức ăn và thời gian chăm sóc. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chim yến lại không chịu lạnh được, đến mùa rét đậm kéo dài rất dễ chết đột ngột. Ông Lời nói: “Yến sào ở vùng này tuy sản lượng không cao nhưng có giá và chất lượng ngang với yến Khánh Hòa, bởi vậy, tôi cũng mong nhiều người mạnh dạn đầu tư nuôi để có thêm thu nhập”.

Ông Võ Văn Vinh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Hải cho biết, hiện nay ở địa phương có hơn 5 hộ nuôi cá lóc và 4 hộ nuôi chim yến đều có thu nhập cao hơn 100 triệu đồng/năm, tập trung chủ yếu ở các thôn An Lương và Trung Phường. Đặc biệt, việc nuôi chim yến trên địa bàn là nghề mới xuất hiện gần đây và bắt đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

LÊ BÌNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân sản xuất giỏi ở vùng cát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO