Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, đầu tư đúng hướng và phát triển đa dạng về ngành nghề, tỷ lệ hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp trên địa bàn TP.Tam Kỳ năm sau luôn cao hơn năm trước. Đây là động lực giúp các hộ nông dân mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng và tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa.
Mô hình nuôi vịt siêu thịt của ông Lê Văn Phú (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng). Ảnh: N.Đ.N |
Để làm chỉ tiêu thi đua và có cơ sở đánh giá, ngay từ đầu năm các cấp Hội Nông dân TP.Tam Kỳ đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đạt được trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” năm trước, đồng thời phát động phong trào trong năm sau. Qua đó có hàng ngàn hộ nông dân đăng ký và đã được bình xét công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp. Chỉ tính riêng năm 2018 đã có 6.272/8.100 hộ đăng ký, cuối năm bình xét được 2.165 hộ, đạt 48% so với hộ đăng ký. Trong đó, cấp xã có 1.423 hộ, thành phố 605 hộ, cấp tỉnh 130 hộ và Trung ương 7 hộ. Ông Lê Văn Phú (thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng) cho biết, qua nhiều năm đi làm việc ở nhiều nơi với nhiều ngành nghề khác nhau nhưng không đạt kết quả, năm 2010 ông dành khoản kinh phí tích cóp được về quê đầu tư nuôi 200 con gà thả vườn, sau đó tăng đàn lên 2.000 con. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, nên hiệu quả của mô hình chăn nuôi này không cao. Năm 2013, ông đầu tư nuôi 2.000 vịt siêu thịt, sau tăng lên 5.000 con, đồng thời vay vốn đầu tư làm đại lý tiêu thụ thức ăn và con giống. Mỗi lứa ông nuôi từ 45 – 50 ngày xuất chuồng, giá bán khoảng 130 nghìn đồng/con vịt (bình quân 3,2kg/con), sau khi trừ hết các khoản chi phí, lãi ròng hơn 200 triệu đồng/năm. Với kết quả đạt được trong các năm qua, ông Phú được công nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố”.
Trên cơ sở Đề án phát triển kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của UBND TP.Tam Kỳ, các cấp hội nông dân đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng con vật nuôi, nhiều diện tích đất đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình kinh tế vườn gắn với trồng hoa lan, cây cảnh được hình thành. Các mô hình lúa giống chất lượng cao, mô hình cây con, các dịch vụ đã được ra đời giúp nông dân có nguồn thu nhập khá. Ông Thái Văn Trưởng (khối phố 6, phường Trường Xuân) cho biết, tận dụng hơn 1.000m2 đất vườn nhà, năm 2007 ông bắt đầu trồng hoa. Lúc đầu chỉ trồng được những loại hoa truyền thống của địa phương như mãng đình hồng, hướng dương, thược dược, cúc, vạn thọ… Năm 2008, ông thuê thêm 2.000m2 đất của các hộ ở gần nhà, đầu tư phát triển các loại hoa có giá trị kinh tế cao như hoa ly, hoa chuông, đồng tiền, ngọc thảo, thạch thảo… Năm 2016 ông tiếp tục đầu tư hơn 300 triệu đồng xây dựng được 1.000m2 nhà lưới, trồng các loại hoa treo trang trí, được người tiêu dùng trong và ngoài địa phương ưa chuộng. Sau khi trừ hết các khoản chi phí còn lãi ròng hơn 200 triệu đồng/mùa (3 tháng), giải quyết việc làm cho 5 lao động, thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy từ năm 2007 đến nay liên tục giữ vững danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp thành phố.
Tam Kỳ đang trong tiến trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Để phát triển các thành phần kinh tế, nhất là nông nghiệp, rất cần những người tiên phong, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, đầu tư phát triển vườn, ao, chuồng theo hướng nông nghiệp đô thị, đồng thời phát huy vai trò nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi để làm nòng cốt trong phong trào, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC